Dân Việt

Nhiều khán giả trẻ bật khóc nức nở khi xem "Song Lang"

Thanh Hà 31/10/2018 19:05 GMT+7
Những tiếng nức nở, sụt sùi, có cả tiếng kêu thất thanh “Ôi sao lại thế”… xuất hiện tại buổi chiếc phim “Song Lang” nằm trong chuỗi hoạt động tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5 – 2018.

Chiều 31.10, buổi chiếu phim “Song Lang” nằm trong khuôn khổ chiếu phim đương đại của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5 đã gây được xúc động, chạm tới tim khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Rất nhiều khán giả đã xúc động nghẹn ngào chấm nước mắt khi bộ phim bị đẩy tới cao trào, thậm chí một bạn nữ đã không kìm được, bật khóc thốt lên: “Ôi sao lại thế?”…

img

Diễn viên Isaac trong phim "Song Lang"

Bộ phim “Song Lang” của đạo diễn Leon Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân có sự tham gia của các diễn viên: Isaac trong vai kép hát Linh Phụng; Liên Bỉnh Phát trong vai Dũng "Thiên Lôi", cùng nhiều diễn viên khác.

Bộ phim xoay quanh cuộc sống của nhiều nghệ sĩ cải lương trong giai đoạn khó khăn. Trên sân khấu là những phút giây thăng hoa tuyệt diệu của người nghệ sĩ, nhưng phía sau cánh gà là nỗi niềm của cơm áo, gạo tiền, của sự cô đơn ít ai thấu hiểu.

Dẫn dắt phim là hai nhân vật chính, Isaac trong vai kép hát Linh Phụng; Liên Bỉnh Phát trong vai Dũng "Thiên Lôi"  - hai số phận tưởng chừng như không liên quan tới nhau nhưng rồi từ tình yêu cải lương họ đã xích lại và nảy nở mối tình…

img

Diễn viên Liên Bỉnh Phát và Isaac trong phim "Song Lang"

Chia sẻ sau khi xem xong “Song Lang”, khán giả Hà Vương, trú tại Đội Cấn – Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Tôi nghĩ rằng, nếu nói quan tâm đến điện ảnh mà không xem "Song Lang" thì quả là điều  đáng tiếc. Và cũng rất đáng tiếc ở HANIFF lần này phim không có cơ hội tranh giải.

Tôi thấy bố cục của phim khá chặt chẽ, tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ, mang lại cho khán giả cảm giác chắc hẳn đạo diễn, biên kịch... phải am hiểu, đam mê cải lương lắm mới kể nên một câu chuyện hấp dẫn đến như vậy. Phim mang đến màu sắc thật, những nhân vật có thật để kể câu chuyện thật về phía sau ánh hào quang sân khấu.

Nó mang lại cái nhìn thực, chẳng khác nào một phóng sự về cuộc đời nghệ sĩ sân khấu truyền thống: Trên sàn diễn họ là công là phượng, là ông hoàng bà chúa, nhưng lui về phía sau cánh gà là nỗi lo cơm áo... Một góc nhỏ của Sài Gòn những năm 80 của thế kỷ trước, một giá trị văn hoá - cải lương của Sài Gòn trong những năm đó cũng đã tạo cho Sài Gòn nét đẹp riêng, khiến cho người xem ngày nay cũng muốn tới Sài Gòn một lần để được ngồi trong những rạp hát nhỏ, được đắm chìm khắc khoải trong những lời ca, tiếng đàn...

Cái kết của phim, luật nhân quả vừa dạy cho người ta phải có trách nhiệm với những hành động của mình, vừa khiến khán giả cảm thấy bị ám ảnh, tiếc nuối. Tôi cho đó cũng chính là chất liệu cần thiết đối với nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. "Song Lang" đã làm được điều đó, khiến tôi muốn trở lại phòng chiếu xem lại, để bóc tách kĩ hơn nữa những ẩn ý người làm phim muốn đề cập. "Song Lang" sẽ không kén khán giả. "Song Lang" sẽ có những khán giả tri kỉ, thậm chí rất đông khán giả tri kỉ trẻ, nếu có cách truyền thông khác".

img

Còn với bạn trẻ Đặng Trung Anh, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, cô đã biết về phim ngay khi nhà sản xuất giới thiệu trailer. “Tôi được biết đạo diễn bộ phim này là Việt kiều, thực sự có tâm trong bộ phim này. Từng góc quay, màu sắc cũng đẹp và đắt. Kể cả những chi tiết nhỏ trong nghệ thuật cải lương, hay tâm trạng của nhân vật đều được đạo diễn khai thác triệt để.

Kết của phim tôi cũng đã được biết trước đó, nhưng hôm nay khi xem, tôi thực sự vẫn sốc khi thấy nhân vật chính là Dũng bị đâm chết bởi một người mà anh ta đã âm thầm bán hết đồ để trả nợ cho gia đình đó. Thực sự lúc này, xem xong phim tôi vẫn không hết xúc động. Và nếu có cơ hội tôi vẫn muốn được xem lại phim này một lần nữa”.

Khán giả Nguyễn Toản, giảng viên Đại học Xây dựng thì cho hay, anh chưa khi nào đi xem phim Việt Nam mà lại thấy xúc động như phim này. Theo anh Toản, bộ phim không có những pha hành động, kỹ xảo điện ảnh, những cảnh nóng gây tò mò và thu hút người xem. Nội dung phim chỉ đơn giản là câu chuyện của hai chàng trai, hai số phận khác nhau không liên quan. Nhưng rồi cả hai vì yêu nghệ thuật cải lương mà trở thành những người thân thiết.

“Phim không có cao trào nhiều nhưng tôi xem thấy cực kỳ xúc động. Ngoài ra, trước đó tôi không hề thích cải lương và cũng chưa một lần đi xem vở cải lương nào. Nhưng xem phim, tôi thấy cải lương cũng rất hay, đi vào lòng người. Sau đây chắc chắn tôi sẽ đi xem cải lương và sẽ cho con đi cùng để con hiểu về thêm về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam”, anh Toản nói.