Đầu tư cho di tích, di sản được đánh giá là thu hồi rất nhanh, không bị thua lỗ.
Nói điều trên tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 31/10, ông Thiện thống kê, cả nước có hơn 40.000 di tích được kiểm kê. Ông đặc biệt nhấn mạnh có 26 di sản vật thể, phi vật thể di sản tư liệu được UNESCO công nhận di sản thế giới.
Riêng về phát triển du lịch, ông nêu vấn đề, tính riêng 8 di sản văn hóa vật thể trong năm 2017 đã có 16 triệu du khách (7 triệu quốc tế, 9 triệu trong nước) đến và tạo nguồn thu hơn 2.500 tỷ.
Ông lấy ví dụ về một số nơi cho nguồn thu lớn như: Tiền bán vé ở Vịnh Hạ Long đã thu 1.100 tỷ đồng trong năm 2017, trong khi đó ngân sách đầu tư chỉ 50 tỷ đồng.
Hoặc, di tích cố đô Huế thu 320 tỷ đồng, ngân sách đầu tư 47 tỷ đồng; phố cổ Hội An thu 247 tỷ đồng, ngân sách đầu tư 17 tỷ đồng...;
Ngoài ra, nguồn thu còn tới từ việc khách du lịch đi lại, thăm quan, ăn uống, mua sắm… có thể gấp nhiều lần tiền bán vé.
Từ đó, Bộ trưởng khẳng định, nếu quan tâm đầu tư cho di tích, di sản như với công trình dự án thì thu hồi rất nhanh, không bị thua lỗ mà bảo tồn được công tình văn hoá.
“Không có dự án nào có lãi như thế, nhà nước chỉ đầu tư 50 tỷ đồng mỗi năm mà thu hơn 1.100 tỷ", Bộ trưởng nói.
Ông đề xuất Chính phủ quan tâm tới các di tích để vừa bảo tồn vừa có nguồn thu lớn.