Sáng 1.11, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi họp sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2018. Tại cuộc họp, ông Phong tỏ ra rất bức xúc trước sự chậm chạp trong việc triển khai các chính sách cho phát triển của TP.
Khách du lịch đến TP.HCM một lần rồi không trở lại là điều trăn trở của TP.
“Mới đây, tôi tiếp một tỷ phú người Ảrập Xêút, ông nói đi qua một số địa phương thấy tiềm năng du lịch Việt Nam rất nhiều nhưng dân nước họ chỉ biết Thái Lan mà chưa biết Việt Nam”, ông Phong mào đầu.
Đưa ví dụ về lời ông tỷ phú người Ảrập Xêút, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho thấy công tác quảng bá du lịch của TP.HCM còn rất hạn chế. Ông Phong cũng cho rằng, du khách một số nước Trung Đông khác cũng cho biết là họ chỉ đi du lịch Thái Lan chứ chưa biết về Việt Nam cũng như TP.HCM.
“Mà mùa nóng, dân Trung Đông đi du lịch nhiều. Thu nhập của người dân một số nước ở khu vực này rất cao, nhiều tiền, người ta sẵn sàng chi nhiều cho nhu cầu đời sống tinh thần, như đi du lịch...”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, nếu xác định du lịch là ngành kinh tế không khói, TP.HCM phải không ngừng nghĩ ra sản phẩm mới, thu hút khách. Chứ cứ như bây giờ, các mô hình du lịch không có gì mới, khách đến một lần rồi đi luôn.
"Ví dụ, TP.HCM có nhiều ngôi chùa thu hút du lịch, nhưng tôn tạo hạn chế, bảo tàng cũng vậy. Ta đi Nhật thì thấy, tour du lịch chùa rất ăn khách. Mỏ vàng này TP.HCM ta làm không tốt, còn hạn chế. Tôi đề nghị Sở Du lịch giao anh em nghiên cứu sản phẩm, nói hoài mà chưa thấy động tĩnh gì. Quyết nhanh đi! Ngồi thảo luận hoài chưa ra cái gì, hết thời gian”, ông Phong bức xúc.
Về việc này, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết đã giao Sở Du lịch TP làm việc hơn 20 ngày rồi.
“Chuyện nhỏ xíu vậy mà làm đến 20 ngày chưa xong. Tôi nói liên tục, nói từ đầu năm đến nay, nói từ lúc anh Vũ (Bùi Tá Hoàng Vũ) về làm Giám đốc Sở Du lịch, mà cứ kéo dài vậy coi sao được với người dân. Làm đi, đừng hội họp, thảo luận nữa!”, ông Phong chỉ đạo.
Về việc triển khai rà soát các dự án đã giao đất, ông Phong cũng đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường đẩy nhanh tiến độ, làm như hiện nay là quá chậm.
Báo cáo với Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Từ khi TP giao việc, Sở đã rà soát hơn 2.000 dự án, trong đó có 1.497 khu đất đã được rà soát, đề xuất xử lý cụ thể.
Siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa triển khai gần 30 năm vẫn chỉ là khu nông thôn giữa TP.HCM.
Nghe báo cáo, Chủ tịch Phong chỉ đạo ngay: “Giao đất rồi mà không triển khai tạo ra bức xúc cho người dân. Có một số người chuyên đi cắm chòi chiếm đất, gây ra tranh chấp mới như ở quận 9 vừa rồi. Tôi yêu cầu phải làm quyết liệt, giao đất mà không triển khai thì cứ thu hồi, chậm thì phải phạt nặng. Ví dụ quận 2, hiện nay xung quanh có nhiều dự án giao nhà đầu tư xong, họ sang nhượng là chủ yếu”, ông Phong cho biết.
Ông Phong cũng cho biết: Một số doanh nghiệp gặp khó khăn vì thủ tục chậm chạp, họ trả lãi ngân hàng rất mệt, TP cũng không thu tiền đất được. Hiện doanh nghiệp cũng rất bức xúc. Riêng các doanh nghiệp nhà nước đã được giao đất không sử dụng đúng chức năng, công năng, đem cho thuê. Vừa rồi, Tổng Công ty Văn hóa thu hồi 7 miếng đất để bán đấu giá. Hội đồng nhân dân đi giám sát chỉ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Do vậy, Sở Tài nguyên - Môi trường cần sớm đẩy nhanh tiến độ.
Báo cáo tại buổi sơ kết, Sở Tài chính cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 10 tháng đầu năm là 306.387 tỷ đồng, đạt 81,32% dự toán và tăng 9,89% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 200.330 tỷ đồng, đạt 78,19% dự toán, tăng 12,25% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 19.559 tỷ đồng, đạt 155,6% dự toán, tăng 44,67% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 86.400 tỷ đồng, đạt 80% dự toán, giảm 0,5% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện là 45.470 tỷ đồng, đạt 52,35% dự toán, tăng 13,99% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 18.218 tỷ đồng, đạt 50,37% dự toán, tăng 25,76% so cùng kỳ; chi thường xuyên 24.346 tỷ đồng, đạt 66,7% dự toán, tăng 4,3% so cùng kỳ. Các lĩnh vực tiếp tục tăng đều, tạo điều kiện thu ngân sách ngày càng tăng. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng mạnh, tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 860.358 tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,6%). Lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 28.228 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký kinh doanh 328.914,3 tỷ đồng, tăng 6,52% về số lượng so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 860.358 tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,6%). Lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 28.228 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký kinh doanh 328.914,3 tỷ đồng, tăng 6,52% về số lượng so cùng kỳ. |