Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev ký Hiệp ước INF vào ngày 12.8.1987. Ảnh: Reuters.
Theo ông Vladimir Shamanov – chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Nga, trước việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh INF, Nga có thể đáp trả theo đúng tinh thần của thời kỳ chạy đua vũ trang: tái thiết lập các cơ sở quân sự tại Cuba. Trong thực tế, chính phủ Cuba cũng đã cho phép người Nga quay trở lại và vấn đề này mang tính chính trị hơn là quốc phòng.
“Ủy ban đang xem xét khả năng này và chuẩn bị có đề xuất chính sách phù hợp”, ông Shamanov nói với cơ quan thông tấn Nga Interfax.
Cũng theo Shamanov, Moscow cũng sẽ đề cập vấn đề này với Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel trong chuyến thắm của nhà lãnh đạo tới Nga vào đầu tháng này.
Trước đó, vị Tướng không quân nghỉ hưu đã hối thúc cả Moscow lẫn Washington giữ gìn INF, cùng ngồi đàm phán hòa giải với nhau.
“Nếu chúng ta không đối thoại, cùng ngăn chặn việc [Mỹ rời khỏi INF] này, thế giới rất có thể sẽ quay trở lại thời kỳ đối đầu căng thẳng dẫn tới Khủng hoảng Cuba”, RIA Novosti dẫn lời Chủ tịch Vladimir Shamanov.
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy phát biểu trên sóng truyền hình về Khủng hoảng Tên lửa Cuba vào ngày 22.10.1962. Ảnh: Reuters. Khủng hoảng Tên lửa Cuba là sự kiện đối đầu chủ chốt giữa Mỹ và Liên Xô, suýt nữa đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh hạt nhân vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20. Trong cuộc Khủng hoảng, Moscow đã triển khai các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba nhằm đáp trả việc Washington triển khai các tên lửa tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Nga đã vận hành một cơ sở tín hiệu tình báo ở Lourdes (Cuba). Được thành lập vào năm 1967 với 3.000 nhân viên, đây là trạm nghe lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài. Sau khi Liên Xô sụp đổ, căn cứ Lourdes giảm thiểu các hoạt động và tới năm 2001 thì dừng mọi chiến dịch tình báo. |
Theo RT dẫn lời chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, việc Nga phục hồi sự hiện diện quân sự tại Cuba là bước đi hợp lý. Cụ thể, việc tái thiết lập căn cứ Lourdes sẽ không tiêu tốn quá nhiều chi phí và đổi lại, Moscow sẽ thu thập được “các thông tin tình báo thú vị về hàng xóm của Cuba (Mỹ). Thế nhưng, chuyên gia Murakhosky lưu ý rằng: “Nga sẽ không quay lại thời kỳ triển khai tên lửa tới Cuba”.
Không đồng tình với quan điểm nói trên, chuyên gia quân sự kiêm cựu sĩ quan Hải quân Nga Konsstantin Sivkov cho rằng khả năng binh sĩ Nga quay trở lại quốc đảo là rất ít.
“Vào hồi những năm 60, chúng ta buộc phải thực hiện điều này vì không có đủ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Bây giờ đã rất khác rồi”, ông Sivkov chia sẻ.