Vào cuối tháng 10/2015, Trung tâm Tàng thư An ninh Quốc gia của Đại học George Washington đã công bố một báo cáo mật viết vào tháng 2/1990, với nội dung về hiểm họa chiến tranh hạt nhân Mỹ-Xô vào năm 1983.
Đầu đạn gắn trên tên lửa đạn đạo. Ảnh: Flickr.
Việc công bố này là kết quả của một trận chiến pháp lý kéo dài 12 năm liên quan đến Đạo luật Tự do Thông tin ở Mỹ.
Báo cáo “Nỗi sợ Chiến tranh của người Xô viết” do Ban Cố vấn Tình báo Đối ngoại của Tổng thống Mỹ viết. Nó dựa trên hàng trăm tài liệu và nhiều cuộc phỏng vấn với các quan chức Mỹ và Anh.
Theo nội dung báo cáo này, Mỹ và Liên Xô đã cận kề một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc vào tháng 11/1983 và bộ máy an ninh quốc gia của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh đã bỏ qua nhiều dấu hiệu cảnh báo.
Cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn Able Archer của Mỹ ở châu Âu đã khiến Liên Xô vào năm 1983 lo sợ rằng đây là một phần trong quá trình chuẩn bị của Mỹ cùng đồng minh cho một cuộc chiến tổng lực thực sự chống lại Liên Xô.
Các lãnh đạo KGB (tình báo Liên Xô) khi ấy dường như đều tin rằng các kế hoạch tác chiến của Mỹ là thật, và quân đội Liên Xô đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng đánh trước hoặc đánh lại.
Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi vào đầu thập niên 1980 nhưng kể từ đó giới nghiên cứu vẫn phân vân không biết thái độ thực sự của Liên Xô khi ấy là gì. Họ băn khoăn liệu việc Liên Xô huy động quân đội chỉ đơn giản là động thái chính trị hay đó là sự chuẩn bị nghiêm túc cho một đòn đánh phủ đầu thực sự?
“Liên Xô sẵn sàng vung gươm để phòng vệ”
Báo cáo năm 1990 là kết luận cuối cùng của cộng đồng tình báo Mỹ về mức độ thế giới cận kề chiến tranh hạt nhân vào năm 1983 và mức độ nhận thức của các lãnh đạo Mỹ về tình hình khi đó.
Các kết luận của báo cáo thực sự “lạnh sống lưng” kể cả vào thời điểm 32 năm sau thời kỳ suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân đó.
Một cảnh trong bộ phim truyền hình Mỹ nói về tình huống giả định Mỹ phóng tên lửa đạn đạo sang các mục tiêu ở Nga. Ảnh: ABC Entertainment.
Theo báo cáo, phía Liên Xô tin rằng Mỹ thực sự muốn mở một cuộc tấn công phủ đầu họ bằng vũ khí hạt nhân. Còn Mỹ khi đó không hề nghĩ là Liên Xô cho rằng Mỹ muốn tấn công hạt nhân trước. Và do vậy, giới lãnh đạo quân đội và tình báo Mỹ không tin có bất kỳ điều gì bất thường trong thời gian tập trận Able Archer.
Nhưng Mỹ đã nhầm to, theo bản báo cáo nói trên.
Bản báo cáo cho rằng, giới lãnh đạo và các cơ quan tình báo Liên Xô tin rằng Mỹ đang xây dựng kế hoạch tiến hành cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm vào Liên Xô và quyết giành chiến thắng trong cuộc chiến đó.
Lãnh đạo Liên Xô khi ấy - Yuri Andropov, đã khởi động chiến dịch RYAN nhằm bảo đảm Liên Xô ở vào thế có thể phản kích một cuộc “tấn công hạt nhân bất ngờ” từ phía Mỹ và đồng minh.
Liên Xô đã đặt lực lượng không quân của mình ở Đông Đức và Ba Lan trong tình trạng báo động cao và yêu cầu các sĩ quan tình báo quân sự phải đặc biệt theo dõi mọi dấu hiệu của Mỹ chuẩn bị chiến tranh hạt nhân.
Báo cáo năm 1990 khẳng định Liên Xô đã thực sự lo ngại về cuộc tập trận Able Archer và đã lên kế hoạch đánh phủ đầu hoặc phản kích NATO.
Cuộc tập trận Able Archer bao gồm việc thiết lập cầu hàng không chở hàng chục ngàn lính Mỹ tới các khu vực tiền tuyến ở Trung Âu. Nội dung hạt nhân chiếm phần đáng kể trong cuộc tập trận này.
“Một số máy bay Mỹ thực hành các thao tác xử lý đầu đạn hạt nhân, trong đó có việc chui ra khỏi các nhà chứa và mang theo các đầu đạn hạt nhân giả trông như thật” – báo cáo có đoạn.
Người Liên Xô phản ứng lại như thể chiến tranh đã cận kề.
Bản tóm tắt của Tàng thư An ninh Quốc gia Mỹ về tài liệu nói trên có đoạn: “Phản ứng quân sự của khối hiệp ước Warsaw [trong đó có Liên Xô] đối với Able Archer 83 là chưa có tiền lệ về mặt quy mô, bao gồm việc vận chuyển vũ khí hạt nhân bằng trực thăng từ các địa điểm cất trữ tới các đơn vị sử dụng, ngừng tất cả các hoạt động bay ngoại trừ các chuyến bay thu thập thông tin tình báo từ ngày 4-10/11, có thể là để bảo đảm có sẵn thật nhiều máy bay cho hoạt động tác chiến”.
Trong khi đó ở Mỹ người ta không hề hay biết về mức độ “nghiêm túc” của Liên Xô trong chuyện này.
Báo cáo 1990 xác nhận tình báo quân sự Mỹ không coi trọng đúng mức khả năng Liên Xô chuẩn bị gấp cho cuộc chiến hạt nhân khi đó, và nhận định rằng tình báo quân sự Mỹ đã sai khi cho rằng các động thái của Liên Xô khi ấy chỉ đơn thuần là để tuyên truyền.
Cảnh giác từ trước
Đầu những năm 1980, phản ứng trước một chiến dịch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, “giới phân tích của Liên Xô tính rằng Mỹ có ý định phát triển một thế hệ tên lửa đạn đạo mới làm phương tiện phát triển lực lượng đánh phủ đầu”.
Bản đồ tác chiến với nội dung nhạy cảm của cuộc tập trận hạt nhân của NATO năm 1983. Ảnh: Daily Mail.
Liên Xô cũng có thể đã “nhận định rằng quyết định của NATO triển khai 600 tên lửa đạn đạo Pershing II và hành trình không phải là để đối phó với hệ thống tên lửa tầm trung SS-20 của Liên Xô mà là để xây dựng năng lực đánh phủ đầu”.
Năm 1981, ban lãnh đạo KGB chính thức chỉ đạo theo dõi các hoạt động chuẩn bị chiến tranh có thể có ở NATO. Các chỉ thị của KGB nêu rõ rằng “điều quan trọng đặc biệt là phải tìm ra các kế hoạch và sách lược cụ thể của đối phương trong việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa hạt nhân nhằm vào Liên Xô và các nước Xô viết khác”.
Báo cáo có đoạn: “Giới sĩ quan KGB [ở Moscow] nhất trí rằng Mỹ có thể phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân trước nếu như Mỹ đạt được một cấp độ sức mạnh tổng thể lớn hơn Liên Xô một cách đáng kể. Và nhiều người tin rằng các sự kiện đều diễn ra theo hướng đó”.
Trên thực tế vào thời điểm ấy, Mỹ không tính tới một đòn phủ đầu nhằm vào Liên Xô. Theo quan điểm của bản báo cáo, một trong các điều lo ngại liên quan đến cuộc tập trận Able Archer là “các nhà lãnh đạo Liên Xô lại có thể hiểu sai các động cơ chiến lược của Mỹ”.
(Nỗi lo sợ thường trực của Liên Xô về âm mưu từ phía Mỹ là dễ hiểu trong bối cảnh Mỹ và Anh từng lên kế hoạch xoá sổ Liên Xô bằng bom hạt nhân ngay sau Thế chiến thứ 2 - ND).
Bản bảo cáo của Ban Cố vấn Tình báo Đối ngoại của Tổng thống Mỹ năm 1990. Ảnh: National Post.
Theo bản báo cáo, do một số lý do như nền kinh tế trì trệ của Liên Xô, bất ổn chính trị ở Ba Lan, thế sa lầy của Liên Xô ở Afghanistan nên Moscow cho rằng mình ở thế yếu hơn và ít có cơ may chiến thắng nếu Mỹ chủ động tấn công trước bằng vũ khí hạt nhân.
Báo cáo cho biết, một hệ thống máy tính của Liên Xô đã phân tích hàng ngàn biến số chiến lược để xác định sức mạnh tương đối của Liên Xô so với Mỹ. Giới lãnh đạo Liên Xô sau đó sẽ xem xét có mở một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu hay không nếu hệ thống máy tính xác định rằng sức mạnh Liên Xô rớt xuống bằng hoặc thấp hơn 40% sức mạnh của Mỹ. Rất may, kết quả tính toán của máy tính khẳng định vào thời điểm đó sức mạnh của Liên Xô bằng 45% sức mạnh của Mỹ.
Người Liên Xô khi đó nhận định: Với sức mạnh tên lửa của Mỹ gia tăng, Mỹ có thể san phẳng năng lực hạt nhân của Liên Xô trong một đòn đánh phủ đầu, tới mức mà một đòn đánh trả của Liên Xô sẽ không hiệu quả hoặc không thực hiện được.
Rất may viên tướng Leonard Perroots - trợ lý tham mưu trưởng tình báo Không quân Mỹ ở châu Âu trong đợt tập trận Able Archer, đã không làm gì để thay đổi trạng thái báo động của quân đội Mỹ, và do đó tránh được việc leo thang nguy hiểm giữa 2 siêu cường khi ấy. Nếu Mỹ thay đổi quy trình tác chiến ở châu Âu thì nguy cơ chiến tranh hạt nhân nổ ra giữa đôi bên là rất lớn trong bối cảnh năm 1983.
Trước thực tế đó, Liên Xô đã phản ứng bằng cách cắt giảm thời gian cần có để phóng các tên lửa đáp trả (sau khi bị tấn công trước) từ tàu ngầm và chiến hạm, từ vài tiếng đồng hồ xuống chỉ còn 20-30 phút.
Theo báo cáo, nội dung phản đòn hạt nhân trở thành trọng tâm của quá trình huấn luyện các phi công máy bay ném bom.
Bên cạnh đó, Liên Xô bắt đầu huy động lực lượng dự bị, gửi đặc nhiệm bán quân sự Spetsnaz tới tiền tuyến Đông Âu, triển khai các khẩu pháo có khả năng bắn đầu đạn hạt nhân ở Đông Âu, và thậm chí còn chuyển đổi các nhà máy sản xuất máy kéo thành nơi chế tạo xe tăng.