Tại phiên họp giao ban công tác ngày 30.10, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn. Với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, ông Chung yêu cầu Sở NN&PTNT và huyện Sóc Sơn phải ra quyết định cưỡng chế vi phạm trong tháng 12, không được để công trình vi phạm mới nào tồn tại.
“Trước tiên ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện thì phải ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm. Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”, ông Chung yêu cầu.
"Đau đớn cũng phải xử lý nghiêm"Hoan nghênh chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho biết ông rất đồng tình.
“Đó là chỉ đạo rất đúng, không chỉ tôi ủng hộ mà nhân dân sẽ rất ủng hộ. Làm sai thì phải xử lý”, ông nhấn mạnh.
“Đã làm sai thì phải sửa, cho dù là đau đớn đến đâu thì cũng phải xử lý nghiêm. Kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật thì vẫn là trên hết, là nền tảng của một chế độ, là uy tín của lãnh đạo thành phố nữa”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.
Hà Nội yêu cầu tháo dỡ 27 công trình vi phạm tại Sóc Sơn trong tháng 12. Ảnh: Duy Linh.
Khi được hỏi liệu Hà Nội có thể quyết tâm xử lý được những công trình đã sai phạm kéo dài được hay không, đại biểu Tuấn cho rằng trước mắt theo thông báo của UBND Hà Nội thì những công trình mới thì sẽ xử lý, nhưng những công trình cũ thì đang tìm biện pháp giải quyết. Trước mắt 27 công trình mới đang hình thành phải xử lý quyết liệt.
Ông lưu ý UBND Hà Nội cần cân nhắc trong việc thực thi pháp luật, cân bằng giữa quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và sự sai trái của chính quyền.
Xử lý cơ quan quản lý nặng hơn người dânĐại biểu Dương Trung Quốc cho biết ông cũng hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng vào quyết tâm của thành phố trong việc xử lý sai phạm về trật tự xây dựng tại Sóc Sơn.
Tuy nhiên, ông Quốc nhấn mạnh Hà Nội cần làm rõ trách nhiệm khi thực thi pháp luật. Nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm là sự quản lý yếu kém của cơ quan Nhà nước, không phải là người dân làm sai luật.
“Ngay từ đầu cơ quan quản lý đã không ngăn chặn, để người dân có thể nhận thức ra, họ không đầu tư, không gây thiệt hại. Thế nhưng cả một chuỗi dài cả chục năm nay, bộ máy chính quyền nếu không phải là kém năng lực thì là sự đồng lõa với việc làm sai đó. Cơ quan đó phải chịu trách nhiệm”, ông bày tỏ.
Phân tích thêm, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc người dân có lòng mong muốn, nguyện vọng, kể cả sự tham lam là chuyện rất bình thường của đời sống. Tuy nhiên, Nhà nước đã tạo ra cơ chế tài, tạo ra lực lượng để giới hạn người dân trong khuôn khổ pháp luật. Người dân cũng giao phó, nuôi dưỡng cả bộ máy chính quyền để thực hiện việc đó.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.
Tuy nhiên, chính sự buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước đã tiếp tay cho sai phạm kéo dài của người dân và doanh nghiệp. Khi tháo dỡ các công trình vi phạm, thì người thiệt hại đầu tiên chính là người dân và doanh nghiệp, gây lãng phí của cải của xã hội.
Đại biểu cho rằng cần nhìn tài sản của người dân là tài sản của xã hội để có giải pháp. Ông lấy ví dụ tòa nhà 8B Lê Trực, sau khi để xảy ra sai phạm, doanh nghiệp thiệt hại, người dân đến mua cũng phải chịu đựng rất nhiều. Trong khi đó tại Sóc Sơn, rất nhiều công trình đang xây dở, cũng có những công trình đã xây xây rất lâu.
“Ở đây, phải xử lý cơ quan hành pháp, cơ quan quản lý nặng hơn xử lý người dân. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính quyền tự trách mình đã, rồi hãy tự trách người dân”, đại biểu Quốc nói.
Cuối cùng đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lại việc “phạt cho tồn tại” đã tạo ra những sai phạm kéo dài tại Sóc Sơn. Đây là bài học lớn để rút kinh nghiệm, nó làm phá hoại kỷ cương, bộ máy, gây ra tham nhũng vặt và để lại hậu quả lớn.