Dân Việt

Sắp xếp, tinh giản bộ máy – nhìn từ ngành Giáo dục Quảng Ninh

Nguyễn Quý 07/11/2018 15:00 GMT+7
Sau gần 3 năm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Quảng Ninh đã tinh giản được 1.444 người làm việc trong các cơ sở giáo dục. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh bộ máy viên chức ngành giáo dục trên cả nước được xem là khá cồng kềnh.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, trong đó ngành Giáo dục tỉnh này là một trong những “phòng thí nghiệm” đầu tiên để các nhà chức trách thực hiện những giải pháp táo bạo.

Lựa chọn giải pháp tối ưu

Trao đổi với PV, bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, bày tỏ: “Chúng tôi luôn giữ phương châm: Lấy học sinh làm trung tâm, sắp xếp tinh giản để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trên cơ sở thượng tôn pháp luật”.

Những kết quả đạt được trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý đơn vị sự nghiệp giáo dục ở Quảng Ninh đã góp phần làm cơ sở thực tiễn để Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ban hành các Nghị quyết số 18, 19.

img

Cùng với thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất tại nhiều trường học trên địa bàn Quảng Ninh được nâng cao, như công trình nhà vệ sinh được đánh giá là "5 sao" ở THPT Hoàng Quốc Việt (Đông Triều). Ảnh: Nguyễn Quý.

Từ năm 2014, cùng với các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, Sở GD&ĐT đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” trong ngành Giáo dục Quảng Ninh. Khi đó, rất nhiều giải pháp để tinh giản bộ máy, biên chế được ngành mạnh dạn đưa ra: Dồn ghép, sáp nhập các trường, điểm trường có quy mô nhỏ lẻ, gần nhau; thực hiện kiêm nhiệm một số vị trí nhân viên phục vụ như văn thư, thủ quỹ, thư viện; dùng chung nhân viên kế toán, nhân viên y tế trường học cho cụm trường gồm các trường gần nhau, chuyển nhân viên y tế trường học về trạm y tế cấp xã ở gần trường để kiêm nhiệm làm công tác y tế trường học. Đi cùng với đó, ngành thực hiện đào tạo lại giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp để bố trí việc làm mới; bố trí giáo viên cùng một lúc dạy nhiều trường để khắc phục việc thừa, thiếu cục bộ.

Hơn 3 năm thực hiện các giải pháp này, không phải lúc nào Sở GD&ĐT Quảng Ninh cũng gặp những thuận lợi. Một số điểm trường sau khi dồn ghép đã cho thấy sự bất hợp lý do số học sinh tăng, hay khoảng cách quá xa so với khu dân cư. Khi nhận ra sự bất hợp lý này, Sở đã chỉ đạo rà soát, khảo sát thật kỹ trước khi thực hiện; không sắp xếp, dồn ghép, cắt giảm một cách cơ học, theo chỉ tiêu; ở khu vực định canh định cư, khu vực sát biên giới là “phên dậu” của tổ quốc cần có dân để giữ đất, giữ rừng thì xem xét thật kỹ việc dồn ghép, sắp xếp...

“Chúng tôi tuyệt đối tránh áp đặt cứng nhắc việc tinh giản, mà tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục được chủ động, linh hoạt trong việc sắp xếp, giảm số người làm việc phù hợp với đặc thù của cấp học và tình hình thực tế của địa phương” – Bà Vũ Liên Oanh khẳng định.

img

Quảng Ninh lấy phương châm: Học sinh là trung tâm; sắp xếp, tinh giản để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Ảnh: Nguyễn Quý.

Ngoài ra, Sở cũng đánh giá kỹ tác động của việc sắp xếp, tinh giản, đặc biệt là những tác động không mong muốn để có giải pháp xử lý, phòng ngừa, khắc phục như: Sự an toàn của trẻ khi đi học xa hơn, đặc biệt trong mùa mưa lũ hoặc qua khu vực nhiều sông suối, hiểm trở, vắng người; sự an toàn của giáo viên khi di chuyển giữa các trường, điểm trường; chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo lại nhân viên, giáo viên để bố trí vào vị trí làm việc mới hoặc vị trí kiêm nhiệm.

Công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục cán bộ giáo viên, các đối tượng chịu tác động cũng là một giải pháp được chú trọng. Các trường tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để có các giải pháp phù hợp; giải thích rõ mục đích, yêu cầu và lợi ích của việc sắp xếp, tinh giản; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất để kịp thời có biện pháp giải quyết, tránh việc khiến kiện, phản đối khi tổ chức thực hiện.

Ở ngôi trường “3 in 1”

Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bình Liêu (ngôi trường vừa thực hiện sáp nhập với Trường THCS Tình Húc để hình thành 1 trường có 3 chế độ: Dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và phổ thông), thầy giáo Phạm Quang Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chất lượng đội ngũ của Trường sau khi sáp nhập đã dần được khẳng định, giáo viên tích cực tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, tham dự các kỳ thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Theo đó, số giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường luôn đạt trên 80%; cấp huyện và cấp tỉnh đạt từ 20 – 25%.

img

Một bữa ăn của học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bình Liêu. Ảnh: La Lành.

Là một ngôi trường đặc thù, đó là nuôi và dạy nên nhà trường đặc biệt quan tâm đến các hoạt động tập thể giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh nhằm cuốn hút các em tham gia nhiệt tình, hiệu quả phát huy tính tích cực, sự sáng tạo, tinh thần hoà nhập sự thân thiện trong các em, như việc thành lập một số câu lạc bộ theo sở thích về các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ , thể thao; Đội Chữ thập đỏ tình nguyện, đội nghiệp vụ sinh hoạt nội trú, đội Môi trường xanh. Việc giáo dục thể chất, giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cũng được nhà trường thực hiện hiệu quả,

Để việc thí điểm những mô hình này hiệu quả, có khả năng nhân rộng, hiện ngành GD-ĐT Quảng Ninh đang tiếp tục tham mưu xây dựng một số cơ chế, chính sách cho giáo dục, như: Miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc đối tượng chính sách; hỗ trợ học sinh bán trú và công tác tổ chức bán trú cho các trường sau sắp xếp, sáp nhập; cơ chế huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục; cơ chế, chính sách hỗ trợ học phí cho một số đối tượng trẻ em mầm non tư thục, học sinh phổ thông học ở các trường ngoài công lập...

Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là chủ trương đúng đắn, cần thiết và cấp bách, việc thực hiện trong ngành Giáo dục Quảng Ninh bước đầu đã có được kết quả tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, sự an toàn của giáo viên, học sinh trên đường đến trường và về nhà, việc sĩ số học sinh đông ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, việc giáo viên ngày càng chịu nhiều áp lực... vẫn là nỗi lo hàng ngày không chỉ của những người làm công tác quản lý giáo dục ở Quảng Ninh.

Sau gần 3 năm, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của ngành Giáo dục Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả: Giảm 9 trường (2 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 3 trường THCS; giảm 188 điểm trường; giảm 609 lớp (96 nhóm lớp mầm non, 403 lớp tiểu học, 100 lớp THCS, 10 lớp THPT); THực hiện kiêm nhiệm đối với 574 vị trí nhân viên phục vụ sau khi đã được đào tạo lại và đào tạo bổ sung (gồm kế toán kiêm văn thư, y tế trường học kiêm thủ quỹ, thư viện kiêm thiết bị thí nghiệm; Thí điểm thực hiện mô hình hợp tác công – tư tại 3 cơ sở giáo dục (2 trường mầm non và 1 trường THPT). Kết quả đã giảm nhu cầu sử dụng 1.444 người làm việc trong các cơ sở giáo dục.