Dân Việt

Hà Nội thu phí vào nội đô: Dựng barie hay thu phí điện tử?

Hoàng Thành 02/11/2018 15:43 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến đồng ý của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước đề nghị của Bộ Tài chính về các nội dung TP.Hà Nội đề xuất liên quan đến bổ sung phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Khẩn trương hoàn thiện đề án

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu UBND TP.Hà Nội tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính để lập “Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới”, trình HĐND TP.Hà Nội trước khi báo cáo Chính phủ theo đúng quy định tại luật Phí và Lệ phí.

img

Việc thu phí sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham gia giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế; từ đó người tham gia giao thông sẽ cân nhắc phương tiện di chuyển cho phù hợp. Ảnh: T.A

UBND TP.Hà Nội có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính về cơ sở pháp lý, sự cần thiết, nội hàm và tác động của khoản phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ.

Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP.Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ TNMT, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Trước đó, vào tháng 9.2018, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật làm cơ sở để TP thu phí xe vào nội đô và phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện.

UBND TP.Hà Nội cho biết, phương tiện cơ giới chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Cho nên, với lượng phương tiện như hiện nay sẽ là nhân tố lớn tác động đến môi trường không khí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống của người dân.

Vì thế, việc áp dụng quy định nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết.

Khi thu phí xe vào nội đô, TP.Hà Nội tin rằng “sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham giao giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế”. Người tham gia giao thông có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển cho phù hợp.

Tất cả phải tự động?

Từng chia sẻ với Dân Việt, TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông Vận tải - Bộ GTVT cho rằng: Trong khi chúng ta chưa có đủ phương tiện công cộng, sự hấp dẫn của các loại hình vận tải công cộng không cao mà tăng thêm phí, thuế với người sử dụng phương tiện cá nhân là không hợp lý.

“Không phải việc gì cũng có thể đánh vào thuế phí như vậy được. Thành phố cần tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các phương tiện công cộng sao cho thu hút người dân sử dụng. Đó mới là bản chất của vấn đề. Thu phí như vậy chỉ là phần ngọn, để người ta hạn chế… Nếu đường rộng, hè thoáng thì rõ ràng văn hóa giao thông sẽ khác đi”, TS. Thủy cho hay.

img

Theo các chuyên gia, việc thu phí vào nội đô cần được thực hiện tự động. Ảnh: T.A

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, vấn đề ùn tắc giao thông được rất nhiều người quan tâm từ nhiều năm về trước. Các chuyên gia cũng đã đưa ra các ý kiến về việc phải phát triển phương tiện công cộng, tàu điện, đường sắt đô thị… Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển giao thông công cộng còn rất dang dở.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, đây là cách làm được nhiều nước áp dụng và thành công, song để thành công thì Hà Nội cần phải quyết tâm giải quyết vấn đề về công nghệ thông tin, vấn đề đồng bộ giữa hệ thống ngành giao thông với ngành ngân hàng... Tiền thu từ phí chống ùn tắc sẽ được đầu tư ngược lại vào hạ tầng, điều tiết giao thông.

Để thu phí được phương tiện vào nội đô, ông Liên cho rằng UBND TP. Hà Nội phải sẽ phải thực hiện các vấn đề về hạ tầng. Hà Nội phải đầu tư, nâng cấp về hạ tầng để cho đảm bảo trật tự, cho người dân được thừa hưởng dịch vụ tốt hơn. Khi đó, dù phải bỏ thêm tiền, người dân cũng chấp nhận.

Đặc biệt, không thể lập các trạm thu được mà phải áp dụng công nghệ thông tin. Có nghĩa là xe đi qua phải thu phí nhưng không thể dừng xe lại thu được sẽ gây ùn tắc. Tất cả phải tự động.

Chia sẻ với báo giới trước đó, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho rằng thuế, phí phải xuất phát trên nền tảng pháp luật của Nhà nước. “Vậy luật nào quy định cái này? Hà Nội thu cả giờ thông thường hay chỉ thu giờ cao điểm để chống ùn tắc? Hơn nữa, Hà Nội dựng barie hay sử dụng hệ thống thu phí điện tử?", ông Thụ đặt câu hỏi.

Cần giải quyết phí chồng phí

Theo UBND TP.Hà Nội, điều khó khăn trong việc thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô hiện nay là tại danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí 2015, thì không có tên khoản “phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Về việc này, khi thông tin Hà Nội dự định thu phí xe vào nội đô được công bố rộng rãi, nhiều người dân cho rằng, việc Hà Nội bày cách thu phí như vậy là 'phí chồng phí' khi người đi xe đã phải chịu đủ gần chục loại thuế, phí nhưng chất lượng cơ sở hạ tầng không cải thiện.

Do vậy, để có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện việc thu phí xe vào nội đô, UBND TP.Hà Nội xác định cần đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản phí này vào danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí.

Được biết, bên cạnh việc thu phí phương tiện đi vào nội đô, TP.Hà Nội đề xuất thêm một biện pháp để hạn chế ô nhiễm. Đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua

UBND TP.Hà Nội lý giải, sự gia tăng của phương tiện giao thông “đã ở mức báo động”. Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường “sẽ trở nên nghiêm trọng”.

Dự báo đến năm 2020, TP.Hà Nội sẽ có hơn 843 nghìn ô tô hơn 6 triệu xe mô tô, xe gắn máy. Đến năm 2030 thì số ô tô là hơn 1,9 triệu còn xe máy là hơn 7,5 triệu.

Qua đó, UBND TP.Hà Nội cho rằng việc quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm “là biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông cũ, phát thải cao”, và hết sức cần thiết.