Dân Việt

Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới

30/12/2011 18:21 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (29.12), Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố báo cáo sơ bộ kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. Kết quả sơ bộ cho thấy bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có nhiều đổi mới.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn không ít vấn đề tồn tại.

Bất cập về vệ sinh môi trường

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Đỗ Thức cho biết, kết quả điều tra đã cho thấy, tính đến 1.7.2011, cả nước có 9.071 xã với 80.866 thôn, ấp, bản; hầu như không có sự thay đổi về số lượng đơn vị hành chính cấp xã trong suốt 5 năm qua.

img
Theo kết quả điều tra, số hộ làm nông nghiệp đang tiếp tục giảm (ảnh minh họa).

Mạng lưới điện đến các xã được đầu tư, mở rộng; phù hợp với chiến lược xóa đói giảm nghèo của Chính phủ nhằm cải thiện điều kiện sống, sức khỏe, phát triển sản xuất và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nông thôn. Đến năm 2011, cả nước chỉ còn 16 xã ở vùng hải đảo, biên giới, vùng cao chưa có điện.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy, nông thôn nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần được quan tâm giải quyết. Ông Phạm Quang Vinh-Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, qua điều tra nổi lên bất cập lớn nhất ở nông thôn là vệ sinh môi trường.

Hiện cả nước mới chỉ có 18,3% số xã và 8,4% số thôn có xây dựng hệ thống thoát nước thải chung cũng như mới có 43,5% số xã và 22,4% số thôn có tổ chức hoặc thuê thu gom rác thải. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc tỷ lệ thôn chưa có điện còn khá cao như Lai Châu là 29,2%, Điện Biên 29,4%, Cao Bằng 22,3%, Hà Giang 19,2%.

Về giao thông, còn nhiều tỉnh có gần 1/3 số thôn ô tô không thể đến được thôn như các tỉnh vùng ĐBSCL và miền núi phía Bắc. Phát triển y tế, giáo dục mầm non cũng không đồng đều giữa các địa phương...

Chuyển dịch ngành nghề chênh lệch lớn

Tương tự, báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy bức tranh về chuyển dịch ngành nghề ở nông thôn đang diễn ra rõ nét, tích cực song cũng không đồng đều và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng nông thôn.

Ông Vinh cho biết, qua điều tra, số lượng và tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản đã giảm và tăng tỷ trọng ở nhóm công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tính đến 1.7.2011, chỉ còn 9,52 triệu hộ, giảm 0,27 triệu hộ (giảm 2,7% so với năm 2006) làm nông, lâm nghiệp và thủy sản; trong khi có 5,09 triệu hộ, tăng 1,63 triệu hộ (tăng 47,2% so với năm 2006) làm công nghiệp, dịch vụ, xây dựng. Vùng ĐBSH có tốc độ chuyển dịch nhanh nhất, tiếp đến là Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Số hộ làm lâm nghiệp, thủy sản con thấp

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, cơ cấu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng chuyển dịch tích cực nhưng còn chậm và chưa tương xứng với tiềm năng của từng ngành.

Cũng trong 5 năm qua, tích lũy của hộ dân nông thôn có tăng lên theo sự phát triển của kinh tế đất nước, vốn tích lũy bình quân một hộ nông thôn thời điểm 1.7.2011 đạt 16,8 triệu đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng thời điểm năm 2006. Hộ thương nghiệp có vốn tích lũy cao nhất, tiếp đến là vận tải, dịch vụ khác. Hộ lâm nghiệp có vốn tích lũy bình quân thấp nhất, chỉ 9,1 triệu đồng/hộ, qua đó thấy rõ khó khăn của người dân sống bằng nghề rừng.

Cụ thể: Số lượng và tỷ trọng các hộ làm lâm nghiệp, thủy sản còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng về lâm nghiệp và thủy sản nước ta. Số hộ làm lâm nghiệp bình quân chỉ tăng 10,4%/năm từ năm 2001, cho thấy cần có chính sách khuyến khích mạnh hơn nữa để khai thác thế mạnh về lao động và đất rừng ở nước ta.

Tương tự đến năm 2011, cả nước chỉ có 71,6 vạn hộ nuôi trồng thủy sản, tăng 2,9 vạn hộ so năm 2006. Tính chung, cả hai loại hộ lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2011 mới chiếm 7,4% so với tổng số hộ nông, lâm, thủy sản cả nước.

Trang trại giúp hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Một điểm nhấn của điều tra năm nay là kinh tế trang trại ở nông thôn đang đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2011, cả nước đã có 20.065 trang trại, tập trung phần lớn ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ và chủ yếu sản xuất thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Kinh tế trang trại phát triển đã góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, với gần 100.000 lao động thường xuyên.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, quy mô sản xuất của trang trại đã theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường. Tổng thu của trang trại năm 2011 đã đạt gần 39.000 tỷ đồng (chiếm 6% giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản), giá trị sản phẩm và dịch vụ bán ra năm 2011 đạt 38.249 tỷ đồng, bình quân 1 trang trại là 1.906,2 triệu đồng...

Ông Vinh cho biết, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu được công bố. "Quý III/2012, chúng tôi sẽ công bố kết quả chính thức với nhiều chỉ tiêu thống kê được tính toán và phân tích chuyên sâu, sẽ đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin về nông nghiệp, nông thôn nước ta. Đây sẽ là cơ sở để các cấp ngành trung ương và địa phương xây dựng các chính sách phát triển nông thôn thời gian tới"- ông Vinh nói.

Nông nghiệp lại làm “trụ đỡ” cho nền kinh tế

Hôm qua (29.12), Tổng cục Thống kê cũng đã công bố chỉ số kinh tế- xã hội năm 2011. Theo đó, năm 2011, GDP cả nước vẫn tăng 5,89%, dù không đạt mức 6,78% như của năm 2010, song đã là khả quan trong điều kiện kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao. GDP tăng đều trong cả 3 khu vực và một lần nữa lại thể hiện tính "trụ đỡ" của khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trong 5,98% tăng chung của nền kinh tế, khu vực này đã đóng góp 4%, góp 0,66 điểm phần trăm.