"Đạo ông bà" được dân tộc tôn sùng và noi theo hàng ngàn năm nay, lấy chữ hiếu với cha mẹ và thờ phụng tổ tiên làm trọng bậc nhất. Ngày xưa, bất hiếu được coi là trọng tội, "nhị thập tứ hiếu" (tấm gương của 24 người con có hiếu) được truyền tụng đời này sang đời khác. Một số dòng họ còn có "gia huấn ca", ghi lại bằng thơ, những lời giáo huấn của ông bà để lại.
Nhưng ngày nay, chữ HIẾU đã nhạt đi nhiều do nhiều nguyên nhân. Giờ đây, trong gia đình, người quan trọng nhất không còn là người già mà nhiều khi thuộc về những người có khả năng làm ra tiền nuôi sống gia đình hay người có chức vụ, uy tín xã hội. Con cái cũng không còn thường xuyên quần tụ quanh cha mẹ, ông bà, chăm lo cày cấy, làm lụng nuôi cha mẹ hay ông bà không còn sức lao động.
Con cái nông dân thường phải ra thành phố kiếm sống. Có những vùng như Thái Bình, nông thôn trống vắng, chỉ còn người già. Ngay cả phụ nữ trẻ cũng không còn mấy vì họ đang ra tỉnh để tăng thu nhập cho nghề nông vốn thu nhập thấp và bấp bênh. Do đó chữ hiếu cũng khó tròn. Cho nên ta dễ cám cảnh khi thấy nhiều nơi ở nông thôn, người già phải lao động cực nhọc. Không phải đàn con bất hiếu mà chỉ vì họ không có mặt ở làng để giúp đỡ. Họ có tiền gửi về cũng đã là may!
Đó là chưa nói tới những đứa con bất hiếu thực sự mà ta được biết qua báo đài sao dạo này cũng nhiều lắm. Ở Tây Ninh có 10 người con không nuôi mẹ dù thừa điều kiện nuôi, đến nỗi mẹ phải lang thang kiếm ăn nhiều năm nay. Có những đứa con bạo hành mẹ, nã tiền để chơi game, hút xách, cờ bạc... Không ít con cái coi bố mẹ già mất sức lao động như “đồ thừa” mà mình phải cáng đáng, cưu mang. Họ hoàn toàn quên rằng, những thứ “đồ thừa” ấy đã sinh ra và nuôi nấng họ thành người.
Người già rất dễ tủi thân. Người già nông thôn càng dễ bị tổn thương hơn nhiều. Làm gì để ngăn được nước mắt người già? Lòng hiếu thảo của con cái là quan trọng bậc nhất, nhưng không đủ. Trách nhiệm xã hội với người già là miếng đất để lòng hiếu thảo được nở hoa, là thước đo sự công bằng, dân chủ, văn minh.
Nguyễn Quang Thân