Dân Việt

Phật tử khắp nơi đến Huế chờ duyên gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh

An Sơn- Anh Kiệt 03/11/2018 21:04 GMT+7
Những ngày qua, lượng lớn Phật tử và người mộ đạo trong và ngoài nước đã đến Huế để chờ duyên gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Từ khi thiền sư Thích Nhất Hạnh về nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), đông đảo phật tử và người mộ đạo trong và ngoài nước đã đến chùa mong được gặp thiền sư.

Sáng 3.11, cũng như những ngày trước đó, hàng trăm phật tử và người mộ đạo trong và ngoài nước đến chùa Từ Hiếu để chờ duyên gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Theo ghi nhận của PV, do thiền sư an dưỡng trong không gian tách biệt nên những người mộ đạo vẫn chưa gặp được thầy. Nhà chùa treo thông báo người không phận sự không được vào nội viện nên những người đến chùa chỉ có thể đứng từ xa hướng về thiền sư. 

img

Phật tử khắp nơi về Huế chờ duyên gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Bà Phạm Loan (trú TP.Đà Nẵng), một trong hàng trăm phật tử đến chùa Từ Hiếu ngày 3.11, cho biết, bà rất hâm mộ pháp môn Làng Mai và đức hạnh của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vì vậy, khi hay tin thiền sư về chùa Từ Hiếu tĩnh dưỡng, bà và nhiều phật tử ở Đà Nẵng lập tức ra Huế thăm viếng chỗ thiền sư ở lại và để được đảnh lễ thầy.

“Tôi đã đọc nhiều sách của thiền sư và những cuốn sách của thầy đã chỉ cho tôi cách sống tích cực. Mặc dù chưa gặp được thầy nhưng chúng tôi rất vui khi về đây”, bà Loan chia sẻ.

Trong thời gian chờ đến duyên gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh, hàng trăm phật tử và người mộ đạo chọn những gốc cây, bãi cỏ trong khuôn viên chùa Từ Hiếu để nghỉ ngơi, đọc sách của sư thầy.

Riêng những người theo thiền môn Làng Mai, đây là dịp để họ hội ngộ, chia sẻ với nhau việc thực tập thiền hành.

img

Những phật tử và người mộ đạo chờ mong gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Ông Nguyễn Văn Lập - Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong những năm 2005 và 2007, những hoạt động tôn giáo của thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Việt Nam đã được các cấp chính quyền tạo điều kiện.

Theo ông Lập, lần này, thiền sư về Việt Nam không có hoạt động tôn giáo mà để thăm thân, nghỉ dưỡng theo visa du lịch.

Ông Lập nói rằng, thiền sư Thích Nhất Hạnh mang quốc tịch Pháp và trở về chùa Từ Hiếu cũng như những người con Việt kiều đi xa trở về nhà. Mọi thủ tục sẽ được chính quyền tạo điều kiện tối đa theo các quy định đăng ký tạm trú, tạm vắng dành cho công dân nước ngoài về thăm quê hương.

Ông Lập cho biết thêm, nếu trong thời gian về thăm và ở lại tĩnh dưỡng mà thiền sư viên tịch, các đệ tử, môn phái có trách nhiệm báo với Sở Ngoại vụ tỉnh để sở này đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm gửi cho nước thiền sư mang quốc tịch. Việc này nhằm làm các thủ tục pháp lý, báo tử theo luật pháp Việt Nam cũng như pháp luật của nước có công dân mất ở Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 28.10, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu nơi ông đã xuất gia.

Trong bức thư gửi cho các huynh đệ, thiền sư muốn an dưỡng tại tổ đình, cùng chung sống với các huynh đệ cho đến lúc viên tịch. 

Theo một số sư thầy tại chùa Từ Hiếu, mặc dù không còn nói được nhưng sức khỏe của thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn tốt. Mỗi sáng, thiền sư được đệ tử đưa đi quanh chùa ngắm cảnh bằng xe lăn. 

img

Thiền sư Thích Nhất Hạnh về đến chùa Từ Hiếu từ ngày 28.10. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên-Huế. Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay, ông là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế.

Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp thế giới. Nơi cư ngụ của ông là tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne, miền Nam nước Pháp.

Ông du hành khắp thế giới, thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong cuốn sách "Việt Nam - Hoa sen trong biển lửa". Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh.

Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây.

Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS John Powers, một học giả Phật học của Australia, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua, thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.