Dân Việt

Tiết lộ 4 loại “thần binh” nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa

Minh Vũ (theo NTDTV) 04/11/2018 18:33 GMT+7
Trong lịch sử hàng nghìn năm của văn hoá Trung Quốc, có rất nhiều loại binh khí được lưu truyền qua các thế hệ như một Thần khí, báu vật của các anh hùng võ tướng.

img

Dưới đây là 4 loại binh khí nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, tiếc rằng trong số đó lại không có sự góp mặt của Thanh Long Yển Nguyệt của Quan Công.

1. Phụng Sí Lưu Kim Đảng 

Đảng là tên gọi binh khí dài và nặng, ở giữa có mũi thương sắc bén gọi là “Chính phong”, hai bên có hai chĩa hình cung sắc bén hướng lên trên và ra ngoài như cánh phượng hoàng dang rộng. Đây là loại binh khí khó dùng, đòi hỏi người sử dụng binh khí này phải có nội công thâm hậu, kỹ thuật điêu luyện. Trong lịch sử, võ tướng trăm người khó địch của Tuỳ Đường là Vũ Văn Thành Đô từng sử dụng loại binh khí này.

Vũ Văn Thành Đô là cao thủ đệ nhất thời Tùy Đường. Ông sử dụng binh khí là một cây Lưu Kim Đảng giống như một chiếc đinh ba nặng đến 400 cân (tương đương 200 kg bây giờ). Vua Tùy từng phong ông là Thiên Bảo tướng quân và ban cho kim bài Vô địch, là cây cột trụ chống trời của nhà Tùy. Sau này thấy giang sơn nhà Tùy khó giữ, cha con Vũ Văn Thành Đô giết Tùy Dạng Đế soán ngôi và được phong làm Vũ An Vương cầm 10 vạn binh giữ Đồng Quan.

2. Phương Thiên Họa Kích

Đây là một loại binh khí có lịch sử lâu đời, nó có một mũi thương dài và sắc 2 cạnh ở giữa, bên cạnh phía dưới mũi thương có gắn thêm một lưỡi đao lưỡi liềm bên cạnh (có khi gắn cả hai bên). Khi sử dụng loại binh khí này, đòi hỏi người sử dụng phải có sức mạnh phi thường. Các chiêu thức khi tấn công đâm, chém móc phức tạp vô cùng, tính sát thương khi ra đòn cũng lớn. Trong lịch sử, binh khí này cũng được gắn liền với tên tuổi của Lã Bố, một võ tướng có trăm người khó địch.

img

Phương Thiên Họa Kích trong lịch sử binh khí này cũng được gắn liền với tên tuổi của Lã Bố. (Ảnh: youtube.com).

Kích là một trong những binh khí cổ xưa nhất, có trọng lượng nặng, đòi hỏi người sử dụng phải có sức vóc nhất định. Lã Bố thời Tam Quốc được mệnh danh là “Chiến Thần”, sức địch muôn người, từ năm 11 tuổi đã đánh bại các lực sĩ. Sau này trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố, tay cầm Phương Thiên Họa Kích ra vào trận tiền như chỗ không người. Ông nổi tiếng với điển tích “Tam anh chiến Lã Bố”. Trận đó, một mình Lã Bố đánh nhau với 3 anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, từ sáng đến chiều bất phân thắng bại.

3. Miêu đao

Miêu đao được mệnh danh là mỹ bảo của người Trung Hoa. Miêu đao không phải là tộc người Miêu sử dụng mà do võ tướng Thích Kế Quang tộc người Hán phát minh. Sở dĩ nó được gọi là miêu đao do đặc điểm của thân đao dài nên được gọi là Miêu đao, nó cũng được gọi là song Thủ đao, đơn đao, trường đao. Miêu đao có đặc điểm giữa đao và thương, hai thứ kết hợp với nhau, khi tác chiến, nó vừa có thể được sử dụng như một thanh đao, vừa có thể sử được sử dụng như một cây thương linh hoạt.

4. Xích Tiêu kiếm

Đây là thanh kiếm gắn liền với cuộc đời của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Truyền thuyết kể rằng khi còn ở quê nhà, Lưu Bang khi đó còn là một thiếu niên chưa có danh tiếng dùng thanh bảo kiếm này chém bạch xà, nên mọi người thường gọi là Xích Tiêu trảm xà kiếm. Đây cũng là thanh kiếm đứng đầu trong số 10 thanh bảo kiếm nổi tiếng nhất của Trung Quốc.

Sách “Hán thư” chép rằng, thời trẻ Lưu Bang là một gã lông bông, thích khoe khoang, khoác lác nhưng cũng rất mưu mô, lòng ôm chí lớn. Một hôm, Lưu Bang nhặt được một thanh sắt lớn màu đen, bèn nói với mọi người rằng đó chính là Xích Tiêu kiếm được Tiên nhân ở núi Nam Sơn cho.

img

Xích Tiêu kiếm gắn liền với cuộc đời của Hán Cao Tổ Lưu Bang. (Ảnh: epochtimes.com).

Lưu Bang cũng nói mình chính là Xích long (rồng đỏ) trên trời giáng hạ, còn Tần Thủy Hoàng là một con Bạch long (rồng trắng) hạ phàm. Ông ta cho rằng tới đây mình sẽ thay thế Thủy Hoàng làm Hoàng đế cai trị thiên hạ. Lưu Bang còn nói rằng nguyên khí của Thủy Hoàng đã biến thành một con rắn trắng, đang ở đầm Phong Tây. Ông muốn cầm kiếm đi giết nó.

Mọi người nửa tin, nửa ngờ đi theo ông ta, quả nhiên thấy một con rắn khổng lồ chắn ngang đường. Lưu Bang cầm kiếm chém đứt đôi nó. Thanh sắt của Lưu Bang sau khi chém rắn cũng biến thành một thanh bảo kiếm có 7 viên châu và 8 viên ngọc đang tỏa sáng rực rỡ. Trên thân kiếm khắc 2 chữ “Xích Tiêu”.