Dân Việt

Cảnh nửa thực nửa mơ nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh tịnh dưỡng

An Sơn 04/11/2018 20:02 GMT+7
Sau khi trở về Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế). Đây là ngôi cổ tự lớn có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng bậc nhất xứ Huế.

img

Từ đường Lê Ngô Cát, TP.Huế, con hẻm rộng rợp bóng cây cổ thụ như không gian cổ tích, dẫn vào chùa Từ Hiếu. 

img

Ban đầu chùa Từ Hiếu là thảo am có tên An Dưỡng do hòa thượng Nhất Định lập nên vào vào năm 1843 để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Về sau, câu chuyện hiếu thảo của sư Nhất Định khiến vua Tự Đức cảm phục nên ban cho sắc “Từ Hiếu tự".

img

Khuôn viên của chùa Từ Hiếu rất rộng lớn, phía trước chùa có khe nước uốn quanh, phong cảnh hữu tình.

img

Cổng chùa được xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che và ngay trước con đường lát gạch để vào chánh điện là một hồ bán nguyệt trồng sen và nuôi cá cảnh.

img

img

Cấu trúc chùa theo kiểu kiến trúc nhà vườn Huế, trước là chánh điện thờ Phật, sau là Quảng Hiếu Đường. Ở khu nhà hậu có án thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt. Hai bên sân chùa có hai lầu bia để ghi lịch sử xây dựng chùa. Chùa được xây theo kiểu chữ khẩu, chánh điện ba căn, hai chái, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ.

img

Mỗi ngôi nhà ở đây đều mang dáng dấp kiến trúc của những ngôi nhà rường Huế hòa mình với thiên nhiên.

img

Từ ngày 28.10.2018, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu nơi ông đã xuất gia để an dưỡng, cùng chung sống với các huynh đệ cho đến lúc viên tịch.

img

img

Từ khi thiền sư Thích Nhất Hạnh về nghỉ ngơi, tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu, mỗi ngày có lượng lớn tăng ni, phật tử và người mộ đạo trong và ngoài nước đến chùa mong được gặp thiền sư.

img

img

Thiền sư an dưỡng trong không gian tách biệt ở nội viện, những người không phận sự không được vào. 

img

Đến nay những người mộ đạo vẫn chưa được gặp mà chỉ có thể đứng từ xa hướng về ông. 

img

img

Trong thời gian chờ đến duyên gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh, hàng trăm phật tử và người mộ đạo chọn những gốc cây, bãi cỏ trong khuôn viên chùa Từ Hiếu để nghỉ ngơi, đọc sách, xem ảnh của sư thầy. Riêng những người theo thiền môn Làng Mai thì đây là dịp để họ hội ngộ, chia sẻ với nhau việc thực tập thiền hành.