Clip: Hàng trăm người dắt xe máy ngược chiều trên phố Hà Nội (Clip: Nguyễn Đình Thái).
Ngày 5/11, xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nhiều người dân tham gia giao thông trên tuyến đường Tố Hữu (Hà Nội) cùng nhau dắt xe tránh CSGT.
Cụ thể, trong clip ước chừng đoàn người lên tới hàng trăm người, cùng nhau dắt xe đi bộ trên vỉa hè ngược chiều trước sự chứng kiến của hai chiến sĩ CSGT đội 7.
Hai chiến sĩ này không thể xử phạt ai dù biết rằng khuất tầm mắt của CSGT, những người đang dắt bộ này sẽ ngồi lên xe và tiếp tục đi ngược chiều.
Trả lời báo chí, lãnh đạo đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết do đoạn đường Tố Hữu (tổng chiều dài 3,4 km qua địa bàn 2 quận Nam Từ Liêm và Hà Đông, Hà Nội) hay xảy ra tắc đường nên nhiều người tham gia giao thông thường xuyên đi ngược chiều để qua đoạn đường này dù biết vi phạm luật giao thông.
"Ngày nào cũng có người dân di chuyển ngược chiều qua đoạn đường khoảng 200 m này nên đơn vị đã phân công các anh em túc trực để xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, khi thấy có mặt của CSGT thì người dân lại dắt xe máy qua để tránh bị phạt" - lãnh đạo đội CSGT số 7 thông tin.
Hình ảnh người dân dắt xe tránh CSGT phạt
Trước những hình ảnh như vậy, nhiều luật sư đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), sẽ không thể xử phạt những đối tượng này vì CSGT chỉ được quyền xử phạt người tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...
Nhưng trong hoàn cảnh này, người dân đang dắt xe đi bộ chứ không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Chung quan điểm với luật sư Minh, luật sư Nguyễn Tiến Thành cho rằng đây là hành động đối phó rõ ràng của người dân với CSGT. Tuy nhiên, khi người dân không điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì CSGT không thể xử phạt, dù người dân có đang dắt xe đi ngược chiều trên vỉa hè.
Ngược lại, luật sư Vũ Khắc Cường (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng vẫn có thể xử phạt người dân trong trường hợp này nếu CSGT Hà Nội chứng minh được họ đã vi phạm từ trước khi dắt bộ như có bằng chứng camera, có hình ảnh chụp lại hoặc có người làm chứng...
Ngoài ra, luật sư Cường cho rằng người dân ở đây đang có hành vi đối phó và cố tình vi phạm pháp luật.
"Với hành vi dắt xe mà gây cản trở giao thông (ví dụ dắt xe chắn ngang đường, dắt xe gây ùn tắc lưu thông) thì tùy vào các tính chất và mức độ ảnh hưởng mà CSGT có thể cân đối các biện pháp như nhắc nhở, tuyên truyền hướng dẫn và gây ảnh hưởng nặng hơn, CSGT có thể xử phạt hành vi cản trở này" - ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Cường, thay vì tìm cách phạt người dân thì CSGT nên tập trung giải quyết vấn đề phân làn, phân luồng để tránh tắc nghẽn, ùn ứ.
"Tôi nghĩ vấn đề giao thông ở đây phải rất bất cập, nếu không họ sẽ không cùng nhau đối phó với luật giao thông như vậy. Nếu có thể giải quyết tình trạng giao thông theo hướng không còn tắc cứng mà chỉ lưu thông chậm thì tình trạng chống đối pháp luật sẽ được giảm đi đáng kể" - ông Cường chia sẻ.
Ngoài ra, ông Cường phản ánh đoạn đường Tố Hữu thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Luật sư này cho rằng lòng đường không đủ để phục vụ nhu cầu đi lại của các phương tiện giao thông vào giờ tan tầm, ông kiến nghị có thể thu hẹp diện tích vỉa hè và mở rộng lòng đường như cách nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã làm, ví dụ đường Nguyễn Chí Thanh.