Đại tá Phùng Đức Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Ngô Hùng
Cũng theo ông Quang, vụ án này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều “điểm nhất” như đông bị cáo nhất (92 bị cáo); thời gian xét xử dài; các cơ quan, tổ chức và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người nhà bị cáo lên đến con số hàng trăm người.
Nhằm đảm bảo tuyệt đối cho phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được đưa ra xét xử vào ngày 12.11, Công an tỉnh Phú Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tỉ mỉ, kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt quá trình xét xử vụ án.
TAND tỉnh Phú Thọ, nơi xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng.
Cụ thể, theo phương án này, Công an tỉnh Phú Thọ sẽ huy động gần 500 cán bộ, chiến sỹ để đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông. Đặc biệt, Công an tỉnh Phú Thọ còn báo cáo Bộ Công an hỗ trợ thêm về phương tiện, nghiệp vụ và con người để đảm bảo việc xét xử diễn ra một cách an toàn nhất.
Để đảm bảo an toàn, cán bộ đơn vị đã phối hợp rà soát xung quanh khu vực diễn ra phiên tòa. Đồng thời tiến hành khảo sát khu vực sẽ diễn ra phiên tòa, nhằm dự báo được các tình huống có thể xảy ra để có phương án giải quyết cụ thể. Cùng thời điểm này, một tổ công tác đã khảo sát chặng đường dẫn giải các bị cáo từ nơi giam giữ đến nơi xét xử.
Vụ án phức tạp với nhiều bị cáo là lãnh đạo trong ngành công an
Ngoài ra, các tổ công tác còn phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Hội đồng xét xử, vật chứng thu giữ, một khối lượng hồ sơ, những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan, các luật sư, phóng viên đến tác nghiệp cũng như quần chúng nhân dân đến tham dự phiên tòa.
Theo đại tá Phùng Đức Quang, đến thời điểm này, các cán bộ của đơn vị đã được tập huấn, trang bị kỹ năng cả việc ứng xử và xử lý trong các tình huống phức tạp có thể xảy ra.