Thời gian gần đây, người dân phản ánh tên “Bưu điện Hà Nội” bất ngờ bị “khai tử”. Đơn vị quản lý đặt một cái tên mới cho tòa nhà đối diện hồ Hoàn Kiếm là “VNPT Hà Nội”. Việc “khai tử” tên của công trình mang dấu ấn lịch sử, gắn liền với Thủ đô Hà Nội khiến người dân tiếc nuối, hụt hẫng.
Ngày 7.11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, đã chỉ đạo tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, VNPT Hà Nội và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam làm việc, thỏa thuận và báo cáo Bộ trưởng kết quả làm việc trong nửa đầu tháng 11.2018.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội vừa chính thức ký văn bản kiến nghị với UBND TP nên thay tên hiện nay “VNPT Hà Nội” bằng tên “Bưu điện Hà Nội” như trước đây. Trước khi kiến nghị, Sở VHTT Hà Nội đã tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn và trên quan điểm của đa số và theo tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho hay, hiện đơn vị quản lý tòa nhà là Công ty Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội). Cách đây 3 năm (tháng 10.2015), tấm biển "Bưu điện Hà Nội" (75 Đinh Tiên Hoàng) đặt dưới đồng hồ lớn trên nóc tòa nhà được thay bằng tên "VNPT Hà Nội".
Tấm biển mang tên Bưu điện Hà Nội (cũ)
... hiện mang tên VNPT Hà Nội. Ảnh: Thành An
Theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, tòa nhà Bưu điện Hà Nội mặc dù được tu sửa nhiều lần song tên gọi truyền thống chưa từng thay đổi; hình ảnh quen thuộc về tên gọi của công trình cũng như chiếc đồng hồ đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Thủ đô.
Các hạng mục kiến trúc Bưu điện Hà Nội vẫn hiện diện tại vị trí cũ với dấu tích lịch sử được ghi rõ: “Ngày 20.12.1946, tại đây các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.
Được biết, tháng 3.2018, ngay khi lấy ý kiến về việc sửa chữa, thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội cũng đã có ý kiến về tên gọi cũng như việc bảo tồn không gian kiến trúc của công trình.
Theo Sở VHTT Hà Nội, việc bảo tồn di sản của Thủ đô cần phải quan tâm đến cả các di sản tiêu biểu của kiến trúc bởi đó là những minh chứng cho lịch sử văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.
Chính vì vậy, Sở VHTT Hà Nội cho rằng, đơn vị chủ quản tòa nhà này (Công ty Viễn thông Hà Nội) nên trả lại cái tên Bưu điện Hà Nội như trước đây.
Tháng 12.2007, Bưu điện TP.Hà Nội (cũ) chia tách bưu chính và viễn thông để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội), toàn bộ tòa nhà B phía 75 Đinh Tiên Hoàng được giao cho viễn thông, còn tòa nhà A giáp phố Lê Thạch giao cho bưu điện.
Đến tháng 10.2015, biển chữ Bưu điện Hà Nội trên nóc tòa nhà do đã sử dụng gần 20 năm bị hỏng và có nguy cơ mất an toàn, không thể sửa chữa được nên đơn vị viễn thông quyết định gắn chữ mới VNPT Hà Nội, đúng tên của đơn vị.
Tháng 1.2016, ba tháng sau khi tòa nhà thay đổi biển tên, Bộ TTTT đã có văn bản gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đề nghị Tập đoàn đổi lại dòng chữ Bưu điện Hà Nội như trước đây. Tuy nhiên, từ đó đến nay công trình này vẫn chưa được trả lại tên như cũ.
“Sự thay đổi gây dư luận không tốt trong nhân dân, vì từ lâu đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã đi sâu vào tiềm thức của người dân thủ đô, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Biểu tượng đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã được khắc họa trong nhiều tác phẩm nghệ thuật”, văn bản nêu.
Là người nghiên cứu lâu năm về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng doanh nghiệp đổi tên tòa nhà mình đang quản lý theo đúng thương hiệu là việc bình thường. Tuy nhiên, công trình này lại ở vị trí đặc biệt, chữ Bưu điện Hà Nội quen thuộc từ hàng chục năm qua với người dân nên sự thay đổi không nhận được đồng thuận.
“Xóa đi một hình ảnh quen thuộc, đặt biển tên doanh nghiệp vào dễ làm người ta cảm giác chướng mắt. Tôi nghĩ đơn vị quản lý có thể đặt biển tên của mình ở một vị trí khác, có thể thấp hơn một chút, vẫn đủ nhận diện thương hiệu thì hay hơn”, ông Tiến nêu ý kiến cá nhân”, ông Tiến bày tỏ.
PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng: “Ở Hà Nội khi nói “lên Bờ Hồ chơi” thì ai cũng sẽ hiểu ngay là lên Hồ Gươm. Do đó, “Bưu điện Bờ Hồ” hay “Bưu điện Hà Nội” đã gắn với Bờ Hồ từ lâu. Khi thay thế thành “VNPT Hà Nội” tôi cảm thấy nó xa lạ với người Hà Nội”.