Hai năm qua, chị Vũ Thị Thúy phải một mình nuôi 2 con nhỏ. Ảnh: Trần Huyền
Chiều muộn ngày 6.11, chúng tôi liên hệ với chị Vũ Thị Thuý (ngụ thôn Cộng Hoà, xã Thăng Long, huyện Vũ Thư, Thái Bình) khi chị vẫn miệt mài với việc tiếp thị bán bánh kẹo. Cuộc trò chuyện diễn ra chóng vánh và phải chờ đến cuối ngày, chị Thuý mới có thể tiếp tục trao đổi với chúng tôi.
Chị Thúy kể, hung tin chồng đâm xe gây tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 4 người chết và 6 người bị thương xảy ra 2 năm trước là cú sốc lớn đối với gia đình hai bên nội ngoại. Cuộc sống gia đình hoàn toàn đảo lộn khi anh Hoàng bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Hai năm chồng bị tạm giam, chị Thúy tạm thời gánh vác trách nhiệm làm trụ cột trong nhà, một mình xử lý hậu quả tai nạn với gia đình có nạn nhân tử vong và bị thương, nuôi 2 con nhỏ, tiếp tế cho chồng ở trại giam.
Công việc bán bánh kẹo chị Thuý làm đã vài năm nay. Trước đây, chồng chạy xe, vợ bán bánh kẹo, cũng có đồng ra đồng vào tiết kiệm trả nợ tiền mua xe. Nhưng sau vụ tai nạn, chị Thúy liên tục di chuyển giữa Thái Bình - Hà Nội - Thái Nguyên thăm viếng gia đình các nạn nhân, tiếp tế cho chồng, khiến công việc không đạt doanh số, lương hàng tháng chỉ loanh quanh khoảng 4 triệu đồng.
Chị Vũ Thị Thúy thất vọng, đau khổ khi toà phúc thẩm tuyên án. Ảnh: CTV
“Tự đáy lòng mình, tôi rất xót xa và chia sẻ chân thành với gia đình mất đi người thân trong vụ tai nạn. Mỗi dịp 49 ngày, 100 ngày và giỗ đầu, tôi đều bắt xe khách lên Hà Nội. Đường sá không thông thạo, lại phải thuê taxi đi một vòng các gia đình để thắp hương, thăm hỏi người bị thương, mong họ lượng thứ. Mỗi lần đến cũng chỉ gửi mỗi chỗ một vài triệu làm lễ thắp hương, quà cáp chứ thực tình, gia đình tôi không có điều kiện, tiền bạc để đền bù, khắc phục hậu quả thiệt hại”, chị Thúy nói.
Cũng theo chị Thúy, chiếc xe chồng chị lái gây tai nạn được mua với giá 1,4 tỉ đồng, trong đó, 40% vốn của vợ chồng tiết kiệm và lấy nhà đất đang ở để vay mượn bên ngoài, 60% còn lại là xe vay ngân hàng, phải trả góp hàng tháng.
Trong năm đầu tiên, hai vợ chồng chị Thuý làm việc chăm chỉ tích góp được 400 triệu đồng trả nợ, nhưng đến năm thứ hai thì xảy ra vụ tai nạn kể trên, xe bị tạm giữ phục vụ điều tra. Trong suốt 2 năm chồng bị tạm giam, chị Thúy làm việc cật lực để nuôi 2 con nhỏ. Tiền gốc và lãi không trả được nên nợ mỗi ngày một nhiều thêm.
Theo chị Thuý, gia cảnh hai bên nội ngoại cũng khó khăn, không có điều kiện giúp đỡ gia đình chị. Tiền mỗi lần đi Hà Nội thăm hỏi các gia đình, đi tiếp tế cho chồng đều vay mượn tứ tán trong bạn bè, các anh chị em, họ hàng.
“Nếu không còn tiền trả nợ, ngôi nhà 3 mẹ con tôi đang ở sẽ mất vì đã cầm cố để vay, số vợ vay bên ngoài cũng ngày một nhiều hơn, nhưng dù có khánh kiệt về kinh tế, tôi cũng chấp nhận, động viên chồng kháng án đến cùng để tìm lại công bằng, giải oan cho anh”, chị Thúy ngậm ngùi chia sẻ.
Mong cơ quan chức năng xem xét lại để xử án công bằng, đúng người đúng tội
Bức ảnh chị Thúy - người phụ nữ 29 tuổi choáng váng ngồi thụp xuống trong phiên toà phúc thẩm khi chồng bị kết án 6 năm tù và bồi thường dân sự trên 400 triệu đồng giữa vòng tay của người thân, được chia sẻ trên nhiều mạng xã hội những ngày qua đã nhận được sự đồng cảm và quan tâm của dư luận về vụ án này.
Điểm mấu chốt để chị Thúy cùng chồng quyết tâm kháng án ngay sau phiên toà sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Phổ Yên là dựa trên chứng cứ điều tra đã xác nhận. Ở thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe Innova do tài xế Ngô Văn Sơn đang đi lùi trên cao tốc. Khi kiểm tra, nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Sơn được xác định là 0.192 mg/lít. Trong khi đó, chiếc xe do tài xế Hoàng điều khiển đâm vào xe Innova từ phía sau.
“Trước khi xảy ra tai nạn, xe của chồng tôi chạy 62 km, tốc độ giảm về sát mức tốc độ tối thiểu cho phép (62 - 100 km/giờ) nhưng xe ông Sơn đi lùi, tiến sát về xe đang đi tiến, khiến thời gian không đủ để xử lý, va chạm là bất khả kháng, nhưng lại trở thành thủ phạm trực tiếp gây ra vụ tai nạn”, chị Thúy nói.
Bị cáo Lê Ngọc Hoàng tại phiên toà phúc thẩm. Ảnh: CTV
“Nếu chấp nhận bản án này và nó được thực thi thì khác nào đang cổ suý, dung túng cho những tài xế chạy ẩu, chạy liều, uy hiếp đến tính mạng của người khác”, chị Thúy nói.
Cũng theo chị Thúy, dù không quen biết nhưng nhiều tài xế đã tìm cách liên lạc động viên tinh thần, ủng hộ vật chất cho gia đình chị theo đuổi kháng án. Bởi những tài xế này cho rằng, bản án đã tuyên dành cho anh Hoàng biết đâu cũng sẽ là bản án dành cho họ trong nay mai, nếu chẳng may rơi vào tình cảnh tương tự.
Ngay sau phiên toà sơ thẩm, gia đình chị Thuý đã nhận được 4 luật sư ở 2 văn phòng luật sư tại Hà Nội nhận bào chữa miễn phí, vô điều kiện. Dù bản án phúc thẩm đã tuyên nhưng họ vẫn tích cực đồng hành, tư vấn cho anh Hoàng, chị Thúy để tiếp tục kháng án.
“Đơn kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp tôi cũng đã gửi đến nhiều cơ quan chức năng cấp T.Ư. Ngay sau phiên toà phúc thẩm, các luật sư đã giúp gia đình chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết. Chờ 15 ngày sau phiên phúc thẩm, gia đình nhận bản án chính thức, tôi và chồng tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên cấp cao hơn. Bởi gia đình chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào công lý, mong cơ quan chức năng xem xét lại để xử án công bằng, đúng người đúng tội”, chị Thúy bày tỏ.