Dân Việt

500 thầy cô bị mất việc, 2 chủ tịch huyện chỉ bị khiển trách

P.V (Tổng hợp) 08/11/2018 07:50 GMT+7
Liên quan đến vụ việc hơn 500 giáo viên mất việc ở Đắk Lắk trong khi những lãnh đạo ký quyết định ồ ạt này chỉ bị kỷ luật khiển trách, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng "mức phạt quá nhẹ, không đủ sứ răn đe".

Từ 30.10 đến nay, thầy N.T.T (giáo viên Trường Tiểu Học Y Jút, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) buồn bã ở nhà vì không có cơ hội được lên lớp giảng dạy. Thầy là một trong số 500 giáo viên trong diện dôi dư, do 2 đời chủ tịch của huyện Krông Pắk ký tuyển dụng thừa.

Theo Báo Lao Động, thầy T cho biết, sau nửa năm kiên trì đi đòi quyền lợi, thầy và hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện Krông Pắk vẫn “tay trắng rời bục giảng”, chỉ một số người được trợ cấp ít ỏi, dù mình không phải là người làm sai.

“Ngày 30.10, tôi và nhiều giáo viên được lãnh đạo nhà trường thông báo miệng là sẽ chính thức chấm dứt hợp đồng. Từ ngày đó, chúng tôi không được giao việc, không được phân công tiết dạy, tôi đành ở nhà. Nghĩ mà chua chát”- thầy T buồn rầu nói.

img

Hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tại huyện Krông Pắk hết sức hoang mang về tương lai của mình. 

Điều thầy T và nhiều giáo viên trong diện dôi dư của Đắk Lắk mong muốn là UBND tỉnh, UBND huyện Krông Pắk phải có sự đền bù xứng đáng và sắp xếp công việc phù hợp cho giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng.

“Vì giáo viên không làm sai, lãnh đạo huyện biết thừa chỉ tiêu mà vẫn ký tuyển dụng ồ ạt. Nay chẳng lẽ bắt giáo viên chịu thiệt. Thực sự chúng tôi đang rất tâm tư. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến luật sư để khởi kiện vụ việc” - thầy T cho biết.

Mức khiển trách không đủ sức răn đe

Trong khi hàng trăm giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã phải rời bục giảng, không được tiếp tục công việc mình đã gắn bó hàng chục năm nay, thì ngày 6.1.2018, nguyên Trưởng phòng nội vụ của huyện Krông Pắk nhận mức kỷ luật khiển trách.

Trước đó, 2 lãnh đạo - một người nguyên là Chủ tịch UBND huyện, nay là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, một người đang là Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cũng nhận kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, vì đã ký tuyển dụng thừa giáo viên.

Theo dõi sát sao vụ việc suốt nửa năm qua, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng mức kỷ luật với những lãnh đạo ký tuyển dụng thừa giáo viên như vậy là quá nhẹ.

“Rõ ràng những hành vi ký tuyển dụng ồ ạt giáo viên gây ra hậu quả nghiêm trọng, liên đới để xảy ra hậu quả nặng nề với khoảng 500 giáo viên. Hậu quả ở đây không chỉ với giáo viên, mà với cả uy tín của chính quyền địa phương, ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Đặc biệt 500 giáo viên đã cống hiến bao nhiêu năm qua, giờ bị đẩy ra đường, về làm ruộng, cuộc sống của họ và gia đình họ đương nhiên bị ảnh hưởng rất nặng nề”- Luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ.

Cũng theo Luật sư Ứng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xác minh và làm rõ vấn đề: Lãnh đạo huyện Krông Pắk ký tuyển dụng bừa giáo viên là do yếu kém về mặt năng lực, hay vì lý do nào khác, có việc trục lợi hay không?

“Nếu có trục lợi trong việc tuyển dụng thì phải xử lý nghiêm với tội nhận hối lộ, lợi dụng chức quyền để làm sai quy định với mục đích trục lợi, quy định tại Điều 354, Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu không có việc trục lợi thì người đứng đầu vẫn phải có trách nhiệm, bị xử lý theo Điều 360 Bộ luật Hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”- Luật sư Ứng chia sẻ.

Cũng theo luật sư, chính quyền địa phương phải nghĩ đến đời sống của hàng trăm giáo viên, những người đã bám nghề bao nhiêu năm qua.

Nếu không cho cơ hội để họ được đứng trên bục giảng nữa, thì địa phương phải có giải pháp, biện pháp sửa sai bằng cách chuyển họ sang làm các công việc khác, ở những nơi khác mà thầy cô có thể đáp ứng được. Lãnh đạo làm sai, gây ra hậu quả nặng nề cho giáo viên, giờ không thể "phủi tay" để mình thầy cô gánh chịu, đẩy họ ra đường như thế.

Trước đó, như Dân Việt thông tin, ngày 20.9, hàng trăm giáo viên (GV) hợp đồng tại huyện Krông Pắk đã gửi bức tâm thư tới Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trước việc bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Theo đó, từ năm 2010-2016, 3 đời chủ tịch huyện Krông Pắk đã ký dôi dư hơn 578 GV. Kết quả rà soát của UBND huyện Krông Pắk, trong số giáo viên dôi dư này có 370 trường hợp có vị trí tuyển dụng, 208 trường hợp không có vị trí tuyển dụng, trong khi đó, biên chế sử dụng của huyện chỉ còn 83 chỉ tiêu.

Trước tình trạng này, ngày 9.3, UBND huyện Krông Pắk đã có thông báo sẽ chấm dứt HĐ đối với 208 GV không có vị trí tuyển dụng. Số giáo viên còn lại sẽ được thi tuyển để chọn 83 chỉ tiêu. Tuy nhiên, tại kỳ thi tuyển viên chức ngày 22.4, chỉ có 28 GV trúng tuyển.

Do sự việc gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều nên sau khi có thông báo chấm dứt HĐ đối với các GV dôi dư, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc này, tìm hướng xử lý phù hợp.

Sau khi đưa ra nhiều phương án, trong đó có cả việc sẽ trích ngân sách để hỗ trợ các GV sau khi bị thôi việc, vào tháng 8 vừa qua, UBND huyện Krông Pắk đã yêu cầu các trường thực hiện việc chấm dứt HĐ đối với các giáo viên dôi dư chậm nhất đến 30.8. Sau đó, thời hạn này được lùi lại đến ngày 30.10.

Nhiều tháng qua, kể từ khi UBND huyện Krông Pắk thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ đối với các GV dôi dư, hàng trăm GV nằm trong diện này đã hết sức hoang mang, lo lắng.

Và khi đứng trước tình cảnh không thể cứu vãn, các GV đã viết bức tâm thư mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý sự việc hợp tình, hợp lý và nhân văn hơn.

Theo các GV, khi bước chân vào nghề, họ đã gặp rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần. Tuy vậy, họ vẫn bám lớp, bám trường với hy vọng được xét tuyển vào biên chế để được cống hiến hết tâm lực.

Theo bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, để giảm bớt khó khăn cho các GV bị chấm dứt HĐ, trước đây huyện và các ngành đề xuất xây dựng đề án đào tạo chuyển đổi ngành nghề và có chính sách hỗ trợ.

Theo đề xuất, nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các GV bị chấm dứt HĐ khoảng 7-8 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án này không được chấp nhận vì không đảm bảo theo quy định. Hiện nay, huyện chỉ trích ngân sách khoảng 1 tỷ đồng chủ yếu để chi trả các khoản lương, phụ cấp mà trước đây các trường không có kinh phí trả đủ theo quy định cho các GV HĐ. Bên cạnh đó, việc đào tạo chuyển đổi ngành nghề cũng không thực hiện được do đây là dạng HĐ có thời hạn chứ chưa phải là biên chế.

Cũng theo bà Trinh, liên quan đến sự việc này, có gần 100 hiệu trưởng các trường và cán bộ các phòng ban chuyên môn bị xem xét xử lý kỷ luật do để xảy ra tình trạng dôi dư GV. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các hiệu trưởng có hình thức kỷ luật khác nhau, trừ một số ít trường hợp nhà trường thực sự thiếu GV.