Đến năm 2021, cắt giảm khoảng 3.571 "ghế"
Nhằm hướng đến việc “tinh gọn và hiệu quả” của các cơ quan công quyền, từ năm 2015 tỉnh Gia Lai đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Tỉnh ủy Gia Lai ban hành kế hoạch số 156- KH/TU về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngủ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2015-2021”, yêu cầu tinh giản đạt tối thiểu 10% cho đến năm 2021, tương đương khoảng 3.571 "ghế" bị cắt giảm.
Tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy góp phần giải quyết hiệu quả công việc, giảm bớt phiền hà cho dân.
Nói về vấn đề này, ông Trần Đại Thắng – Phó GĐ Sở Nội vụ Gia Lai cho biết: “Việc thực hiện tinh giản biên chế, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành đúng tiến độ quy định, đảm bảo hết nhiệm kỳ tinh giản đạt 10% hoặc vượt chỉ tiêu. Tỉnh thực hiện tinh giản theo từng nhóm đối tượng đúng theo Nghị định 108 và các trường hợp “ngồi chơi xơi nước, không hoàn thành nhiệm vụ hàng năm” cũng rơi vào diện tinh giản. Việc tinh giản biên chế được tỉnh gắn với sắp xếp bộ máy, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm trưởng phó để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý và thực hiện kết hợp, lồng ghép nhiều việc vào để nâng cao hiệu quả bộ máy”.
Trong năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục ban hành quyết định số 262/QĐ-UBND về việc “giao biên chế công chức, số lượng người làm việc và hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh”. Theo đó, tổng biên chế tỉnh giao năm 2018 là 31.564 người (giảm 346 người so với năm 2017, trong đó công chức là 2.929 người, viên chức 27.114 người và hợp đồng lao động 1.521 người).
Đồng thời, để hoạt động bộ máy các cơ quan hiệu quả hơn, UBND tỉnh Gia Lai ban hành văn bản số 1002/UBND–NC yêu cầu từ nay đến cuối năm, các đơn vị hành chính và sở ngành trực thuộc thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất nhằm đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, đơn vị hành chính loại 1 không quá 12 phòng, loại 2 không quá 11 phòng và đơn vị hành chính loại 3 không quá 10 phòng. Đồng thời, mỗi phòng có từ 5-7 biên chế thì được bố trí 1 phó trưởng phòng, trên 8 biên chế được bố trí 2 phó trưởng phòng.
Đối với các sở có trên 6 phòng ban trở lên được bố trí 3 phó giám đốc sở, dưới 6 phòng ban chỉ có 2 phó giám đốc sở và các phòng dưới 8 biên chế thì được bố trí 1 phó trưởng phòng, trên 9 biên chế được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng. Riêng các chi cục thuộc sở có tối đa không qua 2 phó chi cục trưởng.
UBND tỉnh Gia Lai liên tục đưa ra nhiều quyết sách nhằm tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở để đạt hoạt động hiệu quả cao nhất.
Mới đây (ngày 26.10), UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định số 500 cắt giảm 255 biên chế sự nghiệp của các cơ quan và địa phương, trong đó đơn vị bị cắt giảm nhiều nhất là 148 biên chế nhưng cũng đồng thời bổ sung 255 biên chế mới.
9 tổ chức hội bị "xóa sổ"?
Cuối tháng 6.2018, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định 262/QĐ-UBND về việc “giao biên chế công chức, số lượng người làm việc và hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh năm 2018” cắt giảm 346 biên chế. Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản ứng của nhiều tổ chức hội trên địa bàn tỉnh. Bởi nếu thực hiện theo nội dung quyết định này thì tất cả cán bộ tại 9 tổ chức Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai (với 76 người đang công tác) sẽ bị “xóa sổ”.
Cụ thể, 9 tổ chức hội bị cắt hết biên chế ngay trong năm 2018 có: Liên minh Hợp tác xã tỉnh 17 biên chế; Hội Chữ thập đỏ 17; Hội Văn học nghệ thuật 12; Hội Nhà báo 4; Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh 7; Hội Đông y 3; Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin 12; Hội Người cao tuổi 1; Hội Người mù 3 người. Sự việc khiến nhiều người tại đây tỏ ra hoang mang vì tự nhiên bị mất việc, trở thành thất nghiệp. Sau đó, nhiều cán bộ các hội làm đơn khiếu nại lên UBND tỉnh, bởi nếu theo quyết định này tất cả cán bộ trong 9 tổ chức hội sẽ đồng loạt mất việc.
Việc tinh giản biên chế vô tình "xóa sổ" 9 tổ chức hội đã được UBND tỉnh bổ sung bằng quyết định 320.
Gần 1 tháng sau (ngày 9.7), UBND tỉnh Gia Lai mới ra quyết định số 320/QĐ-UBND bổ sung cho quyết định số 262. Theo đó, bổ sung khoản 4 vào điều 2 của quyết định 262 về “130 biên chế, hợp đồng lao động (bao gồm 9 tổ chức hội - PV) theo nghị định số 68/2000/NĐ-CP được cấp thẩm quyền giao cho các Hội (kể cả hội có tính chất đặc thù) được tách thành một mục riêng về biên chế, để quản lý”. Theo đó, ngân sách hoạt động thường xuyên của các hội trong năm 2018 vẫn được thực hiện.
Nói về quyết định 262, ông Lê Xuân Hoan - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai bày tỏ: Theo như quyết định này, có 9 tổ chức hội sẽ bị xóa bỏ, không còn cán bộ nữa. Việc này đồng nghĩa với việc tất cả những người đang công tác tại đây bị đuổi việc. Nếu muốn đuổi việc thì phải tiến hành theo Luật công chức, viên chức và phải trải qua 5 công đoạn mới đuổi chúng tôi được, trong khi chúng tôi không có vi phạm gì. Như thế này đã vi phạm Luật lao động, nếu xóa Hội Văn học Nghệ thuật là đi trái với đường lối chủ trương của Đảng.
“Sau khi có quyết định này, chúng tôi không được nhận lương nữa, nhiều người cũng tỏ ra hoang mang. Ngay sau đó, chúng tôi đã có văn bản báo cáo khẩn cấp lên Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh khiếu nại về quyết định này và gần 1 tháng sau chúng tôi nhận được hồi đáp bằng quyết định 320 bổ sung vào quyết định 262, mọi chế độ được trở về như trước. Tuy nhiên đến nay tôi vẫn không hiểu việc tách, đưa chúng tôi vào “mục riêng để quản lý” là mục riêng nào”, ông Hoan nói.