Đã bước sang tuổi 55 nhưng thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thọ vẫn giữ nét vạm vỡ của một ngư dân bao năm vật lộn với sóng gió trùng khơi. Nếu bảo ông chọn nghề biển để làm giàu cũng không phải bởi ông sinh ra ở biển, 5 năm đi bộ đội cũng lênh đênh trên biển. Biển đã chọn ông và mang lại cho ông một cuộc sống no đủ.
Chiếc tàu mà ông Thọ ra khơi làm ăn, thoát nghèo. |
Từ người lính biển...
Năm 1978, Nguyễn Hữu Thọ xung phong đi bộ đội. Gia đình có đến 10 anh em nên người cha căn dặn: “Hoàn thành nghĩa vụ, con về đi biển với cha. Nghề biển vất vả nhưng biển không bao giờ bạc đãi người cần cù”. Sau 3 tháng quân trường, ông Thọ được biên chế về Đoàn 475, Cục Hậu cần Quân khu 5. Căn cứ vào tình hình lúc đó, đơn vị của ông có nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình trên biển kết hợp ra khơi đánh cá. Mỗi khi nhổ neo thuyền chở theo 17 chiến sĩ, hành trình dọc vùng biển miền Trung, nửa tháng quay về bờ một lần.
Những đợt đánh cá kết hợp tuần tra dài ngày trên biển, thuyền vẫn duy trì đúng nền nếp của quân đội. Ông Thọ kể: “Cứ sau phiên lưới cuối ngày, thuyền chúng tôi lại tổ chức giao ban, hàng tuần họp rút kinh nghiệm, định kỳ tổ chức huấn luyện, mỗi ngày đánh cá 8 tiếng thì dành ra 2 tiếng để huấn luyện cách tác chiến trên biển. Dần dần, tất cả các anh em trên đội thuyền này đều trở thành những xạ thủ số một”.
Những năm đó, ông Thọ cùng đồng đội đã lập nhiều chiến công, bắt giữ nhiều tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, phát hiện và báo cáo nhiều trường hợp nghi vấn khác. Đơn vị của ông nhận được nhiều phần thưởng của cấp trên khen tặng.
Là một ngư dân thiện chiến, ông Thọ được giao nhiệm vụ vận hành chiếc máy Kota loại 6 lốc công suất lớn. Những ngày tháng lênh đênh trên biển, ông đã quen với sóng gió, học được cách gắn kết anh em trên thuyền thành một tổ đoàn kết, sử dụng thành thạo các thiết bị tính kinh độ, vĩ độ; thuộc làu những con đường trên biển, những hòn đảo và kỹ năng chống chọi với sóng gió.
Từ kinh nghiệm đó, sau này, khi trở thành thuyền trưởng của một con tàu công suất lớn, ông Thọ đã biết cách tạo sự thống nhất giữa các ngư dân.
... đến thuyền trưởng lão luyện
Năm 1981, ông Thọ trở về quê với chiếc ba lô và bộ quân phục bạc màu. Không có vốn, ông phải làm ăn chung trên những con thuyền nhỏ, máy móc cũ kỹ ra khơi hành nghề lưới chuồn. Lúc đó mọi thiết bị nghe nhìn đều thiếu, ngư dân phải tự mò mẫm giữa biển.
Mỗi khi nghe những ngư dân già có kinh nghiệm hô: “Trời mây nhiều, coi chừng có gió” là con thuyền lại lầm lũi chạy ngược vào bờ, chuyện có gió hay không tính sau. Những chuyến biển chưa đi đã về đó khiến ông Thọ luôn ao ước có ngày sắm được tàu to, công suất lớn vươn ra khơi với đầy đủ trang bị để có thể bám biển dài ngày.
Vợ chồng ông Thọ vui mừng khi cầm những tấm bằng của con. |
Năm 1993, ông Thọ mua được một chiếc tàu ở xã Bình Dương và trở thành thuyền trưởng vươn khơi. Do ngư dân vừa đi câu, vừa đánh lưới nên hiệu quả chưa cao.
Trong cuộc mưu sinh với biển, không có một cuốn sách nào chỉ dẫn cặn kẽ cho ngư dân, vì vậy ông Thọ và các ngư dân ở đây phải tự mày mò nghiên cứu. Đầu tiên là cách câu mực bằng đèn dầu. Sau nhiều năm áp dụng thấy đèn dầu câu không hiệu quả lại gặp nhiều khó khăn, ông và bà con lại nghiên cứu câu mực bằng đèn chớp.
Thời gian sau, ông lại nghiên cứu cách câu mực bằng đèn bình ắc-quy, lắp đặt hệ thống cung cấp và sạc điện trực tiếp trên tàu, lắp máy Icom cho ngư dân xuống thúng câu mực để giảm bớt rủi ro. Cách thức của các “nhà khoa học chân đất” này đã góp phần giúp cho tàu câu mực mở biển được dài ngày, năng suất đánh bắt tăng lên hàng chục lần so với trước.
Cách đây vài năm, ông Thọ bàn với vợ: “Tàu mình nhỏ quá, ra khơi chục bữa đã phải chạy vô bờ, chi bằng cứ mạnh dạn sắm tàu lớn rồi trả lần trả hồi. Làm biển cũng như đánh giặc đó bà, mình cứ phải mạnh dạn mà tiến tới. Mình lùi thì cơ nghiệp nó đổ có hồi”.
Nghe vợ gật đầu, ông bán chiếc tàu nhỏ với giá 85 triệu đồng, vay ngân hàng để tiếp tục gầy thêm chiếc tàu mới đi biển dài ngày. Vậy là chiếc tàu câu mực công suất lên đến 380 mã lực được đóng mới. Chiếc tàu trị giá hàng tỷ đồng. Mỗi chuyến ra khơi, con tàu này cõng theo 30 ngư dân, hàng chục ngàn lít dầu. Với tay nghề lão luyện, thông thuộc từng hòn đảo, từng vùng biển, nắm vững kinh độ, vĩ độ... ông Thọ điều khiển con tàu vượt qua chặng đường 400 – 500 hải lý như trong lòng bàn tay.
Có tàu lớn, ông bỏ hẳn nghề đánh lưới chuồn và theo nghề câu mực khơi. Mỗi phiên biển kéo dài gần 3 tháng. Những năm trước đây, mỗi chuyến đi biển, phần bạn được chia 1 – 2 triệu đồng, trên con tàu này, các ngư dân được chia tới vài chục triệu đồng. Năm 2011, giá mực khơi tăng lên 140.000 đồng/kg.
Chỉ sau 4 phiên biển, tàu của ông Thọ đã đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngư dân đi bạn được chia hơn 140 triệu đồng - một số tiền mà ngư dân các vùng khác có mơ cũng không thấy.
Những ngày trở về bờ, con tàu của ông chở hàng chục tấn mực. Có phiên tàu đánh được gần 20 tấn mực. Vợ ông cười xởi lởi khi món nợ ngân hàng để đóng tàu lớn lần lượt trả hết. Ngư dân trong vùng nể ông hai bàn tay trắng, giờ đã thành công. Thành công hơn là ông vừa “chiến đấu” trên biển, vừa nuôi một lèo 4 con ăn học.
Câu mực để nuôi chữ
Ở biển, mỗi chiếc tàu thường phải có vài cha con. Còn với ông Thọ, một mình một tàu, gọi bạn đi làm. Từ sáng đến tối ông gò lưng tát nước, mỗi chuyến chuẩn bị ra khơi, ông lại vắt chân lên cổ mà chạy dầu mỡ, lương thực… Nỗi vất vả cứ tăng lên gấp bội, nhưng ông tự nhủ mình phải vượt qua hết để con cái được học hành bài bản.
Có thời điểm, 4 đứa con gái của ông cùng đi học, vợ ông phải chạy vạy tối mặt cho đủ 7 triệu đồng/tháng gửi cho các con. Giờ thì lúc khó khăn nhất đã qua, con gái lớn của ông bà là Nguyễn Thị Thu Thanh đã học xong thạc sĩ, Nguyễn Thị Ngọc Thư đang du học tại Mỹ; Nguyễn Thị Kim Thành đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ; Nguyễn Thị Kim Tự đang học Đại học Ngân hàng.
Dẫn chúng tôi ra bãi tàu, ông Thọ chỉ tay về phía chiếc tàu vững chãi đang dập dềnh trên sóng nước, bảo: Mỗi năm, con tàu này cùng ông bám trụ 9 tháng ở Trường Sa. Quần đảo Trường Sa giờ đã trở thành quê hương thứ 2 của ông.
Thời trong quân ngũ, ông Thọ ra khơi vừa đánh bắt, vừa canh giữ biển, trong khoang thuyền, ngoài cá tôm còn mang theo những khẩu súng lạnh toát ánh thép.
Còn giờ đây, khi đã bước sang tuổi 55, người lính này vẫn miệt mài với những chuyến đi khơi, vừa bám biển mưu sinh giúp những người dân ở vùng quê này thoát nghèo, vừa góp phần cùng Nhà nước khẳng định chủ quyền.
Cuối cuộc đời, người lính này càng thấm thía lời người cha dạy bảo: “Nghề biển vất vả nhưng biển không bao giờ bạc đãi người cần cù”.
Lê Văn Chương