Cơn sóng không bao giờ tới
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters.
Sau cuộc đua đầy căng thẳng, quyết liệt, kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ đã được công bố: đảng Cộng Hòa siết chặt quyền kiểm soát Thượng viện còn đảng Dân Chủ dành lại thế đa số tại Hạ viện.
Theo Reuters, kết quả bầu cử của hôm thứ Ba vừa rồi (theo giờ Mỹ) sẽ còn có tác động rất lớn trong nửa nhiệm kỳ sau của Tổng thống Donald Trump. Cụ thể, Hạ viện do đảng Dân Chủ nắm giữ có thể chặn bất kỳ dự thảo nào được đề xuất trước chúng tới được Thượng viện của đảng Cộng Hòa. Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump không thể “hô mưa gọi gió” như trước và các dự thảo mang tính bảo thủ sẽ có rất ít cơ hội trở thành luật chính thức.
Bên cạnh đó, Hạ viện giờ hoàn toàn có thể theo đuổi việc luận tội Tổng thống Trump với nghi vấn Nga thiệp bầu cử hoặc xung đột lợi ích cá nhân – nhà nước liên quan tới Tập đoàn Trump. Dù đảng Cộng Hòa sẽ không bỏ phiếu thông qua việc này, việc bị Hạ viện đòi luận tội cũng sẽ là một đòn đánh chính trị nặng nề vào uy tín của nhà lãnh đạo.
Ngoài ra, trong bối cảnh chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đã bắt đầu một cách không chính thức, sau cuộc bầu cử lần này, có rất nhiều ứng viên mạnh từ phía Dân Chủ đã xuất hiện để sẵn sàng đối đầu vị chủ nhân Nhà Trắng vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Tuy nhiên, theo Reuters, “làn sóng xanh” mà nhiều nhà hoạt động Dân Chủ hi vọng sẽ không bao giờ tới. Lý do là nền kinh tế Mỹ dưới 2 năm lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phát triển rất mạnh mẽ và đó cũng là điều duy nhất mà nhiều cử tri quan tâm. Nói cách khác, khi nền kinh tế phát triển, công việc được tạo ra, bức tường Donald Trump sẽ vẫn đứng vững bất chấp đảng Dân Chủ có tạo sóng to, gió lớn đến mức nào.
Bên cạnh đó, lòng trung thành với đảng của người dân Mỹ cũng là một nhân tố khiến cho một làn sóng chính trị lớn là điều khó có thể xảy ra. Theo ông Lincoln Mitchell – học giả thuộc Phòng Khoa học Chính trị thuộc trường Đại học Columbia, trong khi các cử tri Dân Chủ bỏ phiếu vì muốn kiềm chế Trump, nhiều cử tri Cộng Hòa đi bỏ phiếu chỉ vì… họ là “người Cộng Hòa”.
“Làn sóng xanh” không cứu Trung Quốc
Hạ viện đa số Dân Chủ cũng không giúp được gì Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Ảnh: CNN.
Theo CNN, việc đảng Dân Chủ lấy lại được Hạ viện chưa chắc đã là một tín hiệu tốt đối với Trung Quốc – đối thủ chiến tranh thượng mại hiện tại của Mỹ. Tại chính trường Washington, Trung Quốc là một những vấn đề hiếm hoi mà cả 2 đảng lớn nhất nước Mỹ đồng thuận với nhau. Được biết, phe Dân Chủ đồng tình với Tổng thống Trump rằng Mỹ cần phải có những hành động cứng rắn hơn trên tất cả mặt trận trước một Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh, ảnh hưởng trên toàn cầu.
Nick Marro – một nhà phân tích tại EIU – cho rằng Bắc Kinh đã nhầm lẫn rằng phe cánh tả là người theo đuổi kinh tế tự do. Thực tế trong lịch sử, đảng Dân Chủ vẫn luôn ủng hộ các công đoàn lao động và không quá mặn mà với thương mại tự do không hạn chế giống như đảng Cộng Hòa.
“Rất ít khả năng đảng Dân Chủ sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại nhiều hơn với Trung Quốc” – Marro nhận định.
Kể cả trong trường hợp Hạ viện muốn cứu Bắc Kinh, quyền áp thuế vẫn hoàn toàn nằm trong tay Tổng thống. Trong tương lai, nếu ông Trump muốn tiếp tục mạnh tay với Trung Quốc, đảng Dân Chủ cũng sẽ không cản đường được nhà lãnh đạo.