Thí điểm giải thể văn phòng các ban đảng
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến vào Đề án thí điểm thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy.
Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy cần phải có quyết tâm và có sự cân nhắc kỹ lưỡng để thực hiện sao cho có hiệu quả nhất. Ảnh minh họa: T.An
Theo Đề án thí điểm thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, sẽ giải thể và chuyển nhiệm vụ lái xe, tạp vụ, tài chính kế toán từ văn phòng các Ban trực thuộc Tỉnh ủy về Văn phòng Tỉnh ủy. Thực hiện Đề án này sẽ giảm 6 phòng, đơn vị, 6 chức danh trưởng phòng và một số chức danh phó phòng.
“Về mặt chủ trương, tỉnh đang thực hiện về đề án sắp xếp trên, việc này được thực hiện bắt đầu từ tháng 9.2018”, ông Hoàng Văn Toàn – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nói.
So với năm 2015, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm được 174 đầu mối. Trong đó, khối đảng, đoàn thể giảm 38 đầu mối, trong đó có 26 phòng, ban và tương đương trực thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện (gồm cả một số đầu mối dưới cấp phòng thuộc ban, ngành) và 12 đơn vị sự nghiệp công lập; Khối chính quyền giảm 136 đầu mối, trong đó có 50 phòng, ban và tương đương trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố (gồm cả một số đầu mối dưới cấp phòng thuộc sở) và 52 đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo ông Toàn, tinh thần việc sắp xếp lại là sao cho tinh giản để gọn lại, trước khi thực hiện đề án, các đơn vị, cơ quan chức năng đã làm việc với các cán bộ, phòng, ban thuộc diện sắp xếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết chế độ chính sách cho từng đối tượng sao cho phù hợp.
“Việc này đã có trong quá trình sắp xếp, một trong những điểm khó là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp vị trí việc làm, đúng người, đúng việc để đảm bảo công việc. Rõ ràng việc chọn những người chuẩn thì có hiệu quả hơn, tuy nhiên cũng nhiều cán bộ công tác có quá trình rất dài rồi. Do đó cũng phải kết hợp để giải quyết chính sách, tư tưởng” – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bày tỏ.
Trao đổi với Dân Việt về việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, việc sắp xếp lại bộ máy tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, thu gọn đầu mối đã được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
“Chủ trương của Đảng đã có, đối với các văn phòng các ban Đảng sẽ sáp nhập về các văn phòng Tỉnh ủy. Do đó các tỉnh từng bước sẽ phải thực hiện việc này. Tôi cho rằng, việc tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra đề án thực hiện việc này sớm là điều rất đáng mừng. Trước đây mỗi ban một văn phòng, bây giờ dồn về văn phòng Tỉnh ủy sẽ tập trung hơn”, ông Dĩnh nhận định.
Chờ thêm Nghị định mới
Bên cạnh đó, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiện các tỉnh bước đầu sáp nhập, sắp xếp văn phòng ban Đảng tiến đến sáp nhập các sở ngành. “Việc sắp xếp, sáp nhập các sở ngành có thể chờ Nghị định mới của Chính phủ, hiện Bộ Nội vụ cũng đã có dự thảo về việc này”, ông Dĩnh thông tin.
Bộ Nội vụ đang soạn thảo dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: T.An
Bày tỏ quan điểm về việc sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, ông Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc sáp nhập cần phải đảm bảo yêu cầu bộ máy vừa gọn vừa tinh. Đặc biệt, cần phải hết sức thận trọng, chú ý tránh việc “giữ người nhà, mất người tài”.
“Hiện nay, Bộ Nội vụ có dự thảo trình Chính phủ để ban hành Nghị định mới, hướng dẫn về việc này, tôi cho rằng đây là động thái rất quan trọng của Bộ Nội vụ”, ông Hòa nói và cho biết, thời gian qua, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu và một số các tỉnh khác đã có những kế hoạch cho việc sáp nhập, hợp nhất bộ máy tổ chức, Dự thảo của Bộ Nội vụ cũng rất tạo điều kiện, căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương đề thực hiện.
“Vấn đề bây giờ là các địa phương cần phải có quyết tâm thực hiện việc này và có sự cân nhắc kỹ lưỡng để thực hiện sao cho có hiệu quả nhất”, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho hay.
Ông Hòa cũng cho rằng, việc sáp nhập là một cơ hội lớn để thực hiện tinh giản bộ máy, giảm bớt việc chi thường xuyên ngân sách cho cán bộ, công chức. Từ việc này, cần phải xây dựng được đề án việc làm, tính toán đúng người, đúng việc.
“Việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy không phải là phép cộng cơ học mà sáp nhập nhập phải đúng người, đúng việc để bộ máy được tinh gọn và hiệu quả hơn. Song, việc sáp nhập, sẽ sinh ra vấn đề lao động, cán bộ dôi dư, do đó cần phải giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng này sao cho phù hợp, hợp tình, hợp lý, có những chính sách hỗ trợ, chuyển đổi việc làm”, ông Hòa nói.
Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, tỉnh Đồng Tháp cũng đang xây dựng kế hoạch, đề án về việc sáp nhập các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Khi có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, các đơn vị sẽ bắt tay vào thực hiện. Việc này cũng được xem xét hết sức thận trọng, thực hiện đúng theo các quy định của Đảng, Nhà nước. “Việc tách ra thì dễ nhưng nhập lại, giảm ghế, dôi dư người là việc rất khó. Do đó, rất cần quyết tâm của các tỉnh, địa phương cũng như sự bài bản trong công tác tổ chức”, ông Hòa nhấn mạnh.
Gần đây, tỉnh Lào Cai vừa thống nhất sáp nhập hai sở Xây Dựng và Giao thông vận tải thành Sở Giao thông vận tải – Xây dựng, việc này nhận được nhiều ý kiến của dư luận cũng như các chuyên gia. Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Xuân Cường – Trưởng đoàn ĐBQH Lào Cai cho biết, thực hiện Nghị quyết TW 6 khóa XII, tỉnh nhận thấy Sở GTVT và XD có nhiều điểm tương đồng, thuận lợi nên tiến hành sáp nhập với nhau. Hai đơn vị này cùng chung một trụ sở, nhân sự lại đang kiện toàn nên không phải sắp xếp lại nhiều. “Khi hợp nhất hai sở này thành một, các phòng ban tương đồng sáp nhập lại với nhau, bộ máy được thu gọn”, ông Cường nói. Về việc này, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, sáp nhập, thu gọn bộ máy, tổ chức ở các địa phương đáng lẽ phải được thực hiện sớm hơn, mạnh mẽ hơn nữa. Chính phủ yêu cầu cắt giảm các thủ tục hành chính nhưng bộ máy còn cồng kềnh. “Chủ trương đã có, chúng ta cần phải quyết tâm thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập để tinh giản bộ máy và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Phải thực hiện một cuộc cách mạng thực sự để tạo sự bứt phá, thu gọn đầu mối, hỗ trợ người dân tốt hơn. Đây cũng là cách để việc thực hiện tinh giản biên chế có thể thực hiện được một cách có hiệu quả”, ông Phúc nói. Nói về việc này, bà Đào Thị Hồng Minh - Vụ phó Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết: hiện nay Bộ Nội vụ đang tiếp thu và giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ban hành ý kiến về Nghị định 24 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, bà Minh thông tin, theo kế hoạch 07, trước khi trình các Nghị định này thì phải báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến nội dung về khung số lượng cơ quan chuyên môn cũng như các tiêu chí thành lập. Đồng thời có văn bản báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về việc thay thế Nhị định 24, 37. |