Ngày 15.6.2018, tại kỳ họp 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, gọi tắt là Luật sửa đổi bổ sung 11 luật. Luật này có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch, từ ngày 1.1.2019. Tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV, vào tháng 10.2018, Quốc hội tiếp tục xem xét Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch.
Về việc này, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đây là việc rất hi hữu trong lịch sử làm luật ở Việt Nam và cũng là vấn đề rất phức tạp, thách thức rất lớn. Trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch có đề cập sửa đổi một số điều của các luật thuộc lĩnh vực xây dựng như luật Xây dựng, luật Quy hoạch Đô thị, luật Nhà ở và một số luật khác.
Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm tán thành việc QHXD tỉnh đưa ra trong Luật QH lần này.
Riêng vấn đề quy hoạch (QH) tỉnh và (quy hoạch xây dựng) QHXD tỉnh đã được bàn từ kỳ hợp thứ 5 của Quốc hội và đến bây giờ là kỳ họp thứ 6, cũng có những ý kiến chưa thống nhất với nhau. Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch lần này có đề cập sửa đổi luật Xây dựng theo hướng xác định rõ các loại quy hoạch xây dựng để bảo đảm thống nhất với luật Quy hoạch.
Theo đó, QHXD bao gồm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng các khu chức năng và quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện.
“Theo quan điểm của tôi là người cũng đã làm QH và đã quản lý công tác QH thì thấy trước hết là chúng ta phải hiểu rằng QH tỉnh theo đề xuất trong Luật QH và QHXD tỉnh được đề xuất trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch có những nội hàm khác nhau.
Ai đó cho rằng, nội dung (nội hàm) của QHXD tỉnh này đã tích hợp trong QH tỉnh thì tôi cho rằng chưa thực sự đầy đủ, chính xác. Vì QH tỉnh được xác định theo Luật QH và được đề cập trong Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch là những QH định hướng, QH chung. Còn QHXD tỉnh là QH cụ thể hóa của QH tỉnh. Đây là nguyên tắc và cách tiếp cận rất hợp lý.
Vậy nên Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến QH có đề xuất QHXD tỉnh không trái với Luật QH và không trái các luật khác. Nó chỉ là cụ thể hóa một cách tiếp cận rất khoa học và đồng bộ. Tôi tán thành phải có QHXD tỉnh đưa ra trong Luật QH lần này. Nội hàm QHXD tỉnh cụ thể như thế nào, cần làm rõ. Tôi khẳng định cần loại QHXD tỉnh”, ông Nghiêm nhìn nhận.
QHXD là định hướng, là công cụ để quản lý phát triển đô thị - nông thôn (ảnh T. Kháng)
Phân tích thêm về việc này, ông Nghiêm cho rằng, QH tỉnh là QH tổng thể kinh tế xã hội, nêu những định hướng lớn, những định hướng chúng ta vẫn gọi là phi vật thể. Còn QHXD tỉnh là chỉ ra những định hướng, những chỉ tiêu, những không gian rất cụ thể. QHXD tỉnh đưa ra những chỉ tiêu để quản lý. QHXD tỉnh phân các khu vực ra. Các khu vực này để thực hiện đạt được mục tiêu kinh tế xã thì phải xây dựng phải làm như thế nào. Nói cách khác, QHXD tỉnh cụ thể hóa bằng những vật thể, là công cụ quản lý cấp tỉnh để thực hiện định hướng phát triển hệ thống đô thị - nông thôn.
“Ngay trong quá trình nghiên cứu Luật Quy hoạch, chúng ta đã thừa nhận với nhau, luật đổi mới về nhận thức, tích hợp nhiều QH. Đổi mới này cũng là để đáp ứng yêu cầu tiết kiệm, hạn chế đầu tư công”, ông Nghiêm nói.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia quy hoạch, khi luật QH ra đời đã giảm đi rất nhiều loại hình QH. Chính ngành Xây dựng cũng sẽ giảm đi. Trước đây, sau mỗi loại QH chung thì có QH các loại hình cụ thể từng ngành như QH chợ, QH trường học… Lần này, chúng ta đã có tích hợp chung và xác định lại hệ thống, không đề cập đến từng loại công trình.
Có thể thấy, công tác QHXD và đã xác định QHXD là định hướng, là công cụ để quản lý phát triển đô thị - nông thôn. Đồng thời, xem đấy là 1 trong những nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của mỗi địa phương. QHXD của Việt Nam đã đạt thành tựu rất lớn. Vấn đề bây giờ là chúng ta phải tìm giải pháp tiếp cận mới.
“Tôi rất mừng trong chương trình lần này, trong dự trù đánh giá về KTXH giữa kỳ, đánh giá KTXH năm 2018 của Quốc hội về chuẩn bị cho kế hoạch 2016 - 2020 đã dự phòng một mục cho dự án về công tác QH. Đây là việc hợp lý sẽ sớm có tính khả thi và tiết kiệm. Mức đầu tư bao nhiêu sẽ được ĐBQH – người thay mặt cho toàn thể TƯ cả nước nhất trí về nội dung QH. Đây là vấn đề đáng mừng và nên trân trọng”, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ.