Liên quan đến vụ việc CSGT nghi té ngã khi làm việc với dân ở TP. Quy Nhơn (Bình Định), mới đây, thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Trưởng Công an TP. Quy Nhơn cho biết, vụ việc đã được xử lý.
Theo đó, những người có liên quan trong clip đã được mời đến cơ quan công an làm việc. Họ đã thừa nhận hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ - thượng tá Long cho hay và khẳng định sẽ xử lý những người này nhưng sẽ ở mức giáo dục.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: IT
"Chúng tôi sẽ xử lý những người chống người thi hành công vụ nhưng ở mức độ giáo dục để họ thấy được cái sai. Việc xử lý cũng giúp dư luận hiểu đúng vụ việc", ông Long nói.
Thượng tá Long khẳng định cơ quan chức năng đang tìm người đầu tiên đưa clip lên mạng xã hội để xử lý nghiêm. Trưởng Công an TP. Quy Nhơn đánh giá việc tung clip lên mạng có chủ ý không đúng, thông tin một chiều gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an.
"Clip đăng lên theo kiểu thông tin một phía, khiến dư luận trái chiều. Chúng tôi sẽ tìm và mời người này lên làm việc để có cơ sở xử lý", Thượng tá Long khẳng định.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay, không có quy định của pháp luật cấm người dân chụp ảnh, ghi hình CSGT đang thực thi nhiệm vụ.
Về nguyên tắc, người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Như vậy, công dân hoàn toàn có quyền được giám sát hoạt động của các cán bộ Nhà nước, trong đó có hoạt động công khai xử lý vi phạm của CSGT.
Do đó, người dân có quyền theo dõi và giám sát hoạt động của CSGT, kể cả được phép quay phim, ghi hình hoạt động của các tổ công tác. Tuy nhiên, việc việc quay phim, ghi hình phải đảm bảo không cản trở hoạt động của lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Khi người dân quay phim, chụp ảnh phát hiện những vi phạm của các lực lượng thực thi nhiệm vụ thì có thể chuyển những hành ảnh, clip đó đến các cơ quan chức năng để phản ánh, xử lý theo quy định của pháp luật và để tránh lợi dụng những hình ảnh, clip đó để cắt dán bôi nhọ CSGT.
Từ phân tích trên, luật sư Thơm cho rằng, việc người quay clip hay đăng tải clip CSGT ngã xuống đường khi xử lý người vi phạm lên mạng xã hội sẽ không bị phạt khi người đó chứng minh được clip không có việc cắt dán nhằm mục đích bôi nhọ.
Trong trường hợp, nếu công an TP. Quy Nhơn chứng minh được hành vi quay và tung clip CSGT ngã xuống đường sai sự thật, nhằm mục đích bôi nhọ lực lượng, gây hoang mang dư luận thì khi đó người quay clip đã vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm hành chính, theo vị luật sư này, theo khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi sau đây bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước;…
Về trách nhiệm hình sự, nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống, xúc phạm uy tín Cơ quan nhà nước thì tùy theo tính chất mức độ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, người nào thực hiện hành vi “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này” và hành vi này gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.