Hệ thống phòng không S-300 phóng tên lửa tại bãi thử ngoài Astrakhan, Nga tháng 8/2017. Ảnh: Reuters
Tạp chí Contra của Đức có bài viết nhận định về sự thay đổi trong chiến lược của Israel cũng như đánh giá mức độ mạo hiểm liệu Israel có tiến hành đánh bom nhằm xuống Syria hay không.
Đầu tiên hãy làm rõ vị thế của Tel Aviv. Bộ Chỉ huy Không quân Israel từng cam kết triển khai nhiệm vụ trên không tương lai với điều kiện có được sự đồng thuận từ phía quân đội Nga. Tuy nhiên điều này lại trái ngược với những tuyên bố của các chính trị gia Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman khẳng định: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự hạn chế tự do hành động quân sự nào”. Hiện tại, những gì mà Nga nhận được chỉ là thông báo vài phút trước khi Israel triển khai tấn công mục tiêu ở Syria.
Các quan chức quân đội cấp cao Israel giải thích nếu như họ thông báo cho Nga quá sớm, điều đó có thể dẫn tới việc rò rỉ thông tin, từ đó hệ thống phòng thủ Syria và của các lực lượng mà Iran hậu thuẫn sẽ có thời gian để đối phó trước cuộc tấn công dự định. Bộ trưởng Lieberman khẳng định: “Liên quan tới lợi ích an ninh, Israel không thể có bất kỳ sự nhượng bộ nào”.
Tiếp theo, hãy xét đến lý do vì sao Israel triển khai tấn công tại Syria. Theo như Tel Aviv, Israel chỉ không kích vào các nhóm phiến quân mà Israel cho là Iran đã cung cấp tên lửa để giết hại dân thường Israel. Bên cạnh đó, không quân Israel triển khai nhiệm vụ nhằm ngăn chặn Iran chuyển vũ khí cho phong trào Hồi giáo Hezbollah – hành động mà Tel Aviv coi là một trong những mối de dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Israel.
Việc này dẫn tới một kết luận: rất có thể các vụ không kích vẫn tiếp tục được tiến hành, bất chấp có hệ thống phòng thủ S-300 của Nga lắp đặt tại Syria hay không.
Tiếp tục xét đến năng lực tác chiến của hệ thống S-300 của Nga triển khai tại Syria. Mặc dù S-300 sở hữu uy lực khủng khiếp song các chuyên gia phân tích cho rằng với 3 khẩu đội hệ thống phòng thủ và con số bệ phóng chưa được xác định chính xác trong mỗi khẩu đội, S-300 của Nga chưa được trang bị sức mạnh đầy đủ nhất.
Điều quan trọng là hiện chỉ có binh sĩ Nga mới đủ năng lực và kiến thức vận hành hệ thống S-300PM-2. Phải mất ít nhất 3 tháng thì binh sĩ Syria mới được huấn luyện xong để vận hành hệ thống và cho đến giờ các bộ phận phần cứng quân sự vẫn chưa được chueyenr giao cho bộ chỉ huy Lực lượng Phòng Không Syria.
Theo hầu hết các thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông, S-300 có tầm hoạt động đạt cực đại lên tới 250 km. Điều đó có nghĩa là chỉ với 2 khẩu đội cũng đủ sức bảo vệ cho gần một nửa lãnh thổ Syria. Về mặt kỹ thuật, điều đó là có thể. Tuy nhiên, khả năng đó chỉ xảy ra khi có đầy đủ điều kiện thuận lợi cần thiết. Mức độ hoạt động hiệu quả phụ thuộc vào độ cao của mục tiêu tấn công.
Ví dụ, tầm hoạt động tối đa của S-300PM-2 là 250 km, song hệ thống này chỉ đánh chặn được mục tiêu cách xa tầm đó đang bay ở độ cao 12 đến 15 km. Trong bối cảnh quân sự hiện đại, rất ít mục tiêu trên không hoạt động ở độ cao như vậy.
Bên cạnh đó, một mình S-300 không thể coi là “viên đạn bạc” có thể hạ gục được bất kỳ mục tiêu tấn công nào đang bay tới. Tên lửa S-300 chỉ có thể có hiệu quả nếu chúng là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhiều tầng lớp, bao gồm máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ tạo vỏ bọc, hệ thống radar giám sát và các thiết bị chiến tranh điện tử. Quan trọng hợn, tất cả những hệ thống đó cần được vận hành bởi những nhân viên có năng lực và trình độ cao.
Vì vậy, để quân đội Syria có thể chiến đấu với Lực lượng Phòng vệ Israel một cách công bằng, binh sĩ Syria phải được huấn luyện để ngang hàng với khả năng sẵn sàng và hiệu quả chiến đấu của quân đội Israel.
Kết luận, vẫn không thể loại trừ hoàn toàn viễn cảnh không quân Israel không kích nhằm vào Iran và các mục tiêu Hezbollah ở Syria và sự hiện diện của các hệ thống S-300 không có tác dụng ngăn chặn điều đó.
Israel cũng có thể coi S-300 của Nga như một mối đe dọa đối với an ninh nước này song họ sẽ không dại dột mà tìm cách phá hủy nó.