Dân Việt

Sơn La: Giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2018 đạt cao chưa từng có

Hà Hoàng - Luyện Ngọc Tuấn 12/11/2018 15:34 GMT+7
10 tháng đầu năm 2018, sản phẩm quả xuất khẩu của Sơn La đạt gần 18.000 tấn, nông sản chế biến và nông sản khác xuất khẩu đạt 77.000 tấn, ước giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2018 đạt 115 triệu USD vượt 43% so với kế hoạch đề ra.

Với chủ trương xây dựng kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi cây nông nghiệp hiệu quả thấp sang phát triển cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao; năm 2018 diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La từ 43.500 ha tăng lên 47.439ha, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh Sơn La đạt 100.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 1.100.000 tấn. Thời gian qua, diện tích cây ăn quả của Sơn La tăng nhanh, theo đúng định hướng quy hoạch.

img

10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu chè khô của Sơn La đạt 8.000 tấn, giá trị đạt 16,5 triệu USD.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La; HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã bám sát địa bàn, chỉ đạo thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP. Diện tích canh tác nông nghiệp được chứng nhận VietGAP hoặc các tiêu chuẩn khác về vệ sinh an toàn thực phẩm lên tới 9.674,53 ha, đạt 8,5 tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong đó có các loại quả : Xoài, nhãn, mận, chanh leo, chuối, bơ là 549 ha; cà phê 9.035,8ha; chè 114,85ha; rau 83,58ha. Phối hợp với các ban ngành, tổ chức đi học tập kinh nghiệm, khảo sát thị trường, đề ra các biện pháp đồng bộ và hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích hỗ trợ bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất.

Năm 2018 tổng diện tích canh tác nông nghiệp toàn tỉnh đạt 113.017,1ha; sản lượng đạt 1.338.510 tấn. Trong đó có 57.43ha cây ăn quả (26.154ha đã cho thu hoạch) gồm: Nhãn, xoài, bơ, hồng giòn, cam, bưởi, mận, sơn tra...

img

 Cà phê nhân xuất khẩu đạt 25.200 tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 60 triệu USD.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 33 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng trên 100.000 tấn sản phẩm/năm. Trong đó 80% sản phẩm tham gia xuất khẩu, như: Sản xuất chè 23 cơ sở, sản lượng khoảng 9.500 tấn/năm; sản xuất đường 1 nhà máy, sản lượng 60.000 tấn/năm; sản xuất tinh bột sắn của Nhà máy tinh bột sắn của Công ty cổ phần chế biến nông sản Phú Yên – Chi nhánh Sơn La, công suất 300 tấn tinh bột/ngày, sản lượng trên 40.000 tấn/năm; 7 cơ sở sát cà phê với công suất 30 tấn/ngày.

Dự kiến 7 dự án đầu tư trong đó có 5 dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018 là Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê Phúc Sinh; 2 Nhà máy tinh bột sắn với công suất 60.000 tấn/năm; Nhà máy Chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc tại huyện Mộc Châu...

img

 Vừa qua, tỉnh Sơn La  đã xuất khẩu xoài tượng, xoài Đài Loan sang nhiều thị trường nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, xuất khẩu, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 61/KH –UBND ngày 30.3.2018 về xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản, thủy sản và thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La và 2 kế hoạch xúc tiến thương mại với sản phẩm xoài, nhãn. Các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan báo chí quảng bá sản phẩm nông sản trên địa bàn tìm các thị trường tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Hiện có nhiều mặt hàng nông sản đã được đưa vào các chuỗi siêu thị lớn như BigC, Lotte, Hapro,VinMart... gây dựng được uy tín, thương hiệu cho nông sản Sơn La đối với người tiêu dùng.

img

Năm 2019, Sơn La phấn đấu sản lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu đạt trên 135.000 tấn.

Vừa qua, Sơn La còn xuất khẩu sản phẩm quả đạt 17.500 tấn ra các thị trường nước ngoài. Trong đó 1 số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Xoài xuất khẩu 3.500 tấn sang các thị trường Úc, Trung Quốc, Đu Bai, Nhật Bản; Nhãn tươi đạt 5.035 tấn sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đu Bai, Pháp,Hà Lan, Singapo, Cam Pu Chia, Hàn Quốc; Mận hậu đạt 876 tấn sang thị trường Trung Quốc; Chanh Leo đạt 1.700 tấn xuất khẩu sang Trung Quốc, Pháp, Thụy Sỹ; Thanh Long ruột đỏ đạt 220 tấn sang thị trường Trung Quốc và đang chào hàng đi 1 số nước Úc, Pháp...

img

  Sản phẩm bưởi đang được bà con nông dân Sơn La trồng để tăng thu nhập kinh tế, vươn lên làm giàu tại địa phương.

Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, khẳng định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ nông sản được Sơn La xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó xuất khẩu được xác định là khâu đột phá trong năm 2018. Năm 2018, sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đạt 3 yêu cầu: Được mùa, năng xuất cao và được giá. Trong đó, nông sản của tỉnh đã xuất sang 12 nước với giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2018 đạt cao nhất từ trước tới nay.  Mục tiêu trong năm 2019, Sơn La sẽ tập trung đẩy mạnh các sản phẩm nông sản có tiềm năng và lợi thế, tăng sản phẩm xuất khẩu cá tầm, sơn tra, bơ, rau, cà phê. Phấn đấu xuất khẩu nông sản tăng 30%, với giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 150 triệu USD, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh, tăng thu ngân sách địa phương, nâng cao được giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác.

img

          Trong những năm qua, Sơn La đã tổ chức nhiều hội nghị, chuỗi sự kiện nhằm tháo gỡ khó khăn và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh.