Dân Việt

5 năm tái cơ cấu nông nghiệp: Rau quả cán đích 4 tỷ USD

Anh Thơ 13/11/2018 07:00 GMT+7
Một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp 5 năm qua là sản lượng, kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng đột biến, nhiều mặt hàng, đặc biệt là rau quả đã tiếp cận được những thị trường khó tính.

Ấn tượng với xuất khẩu rau, quả

img

Xuất khẩu rau quả đạt được con số vô cùng ấn tượng. Ảnh: T.L

"Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao. Nhiều nông sản XK đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa, ngay cả ở những thị trường khó tính; đóng góp xứng đáng vào kết quả hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam".

Ông Nguyễn Xuân Cường -
Bộ trưởng Bộ NNPTNT

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị XK rau quả tháng 10.2018 ước đạt 331 triệu USD, đưa giá trị XK rau quả 10 tháng năm 2018 ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2018, XK rau quả sang thị trường này đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 74% thị phần. Một số thị trường khác cũng có giá trị XK rau quả tăng mạnh là Thái Lan (tăng 35%), Úc (tăng 31,6%), Mỹ (tăng 30,8%) và Hàn Quốc (tăng 24,2%).

Dự báo các tháng cuối năm 2018, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành như tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên (công suất 30.000 tấn rau củ quả/năm), nhà máy Tanifood Tây Ninh (tổng vốn 1.500 tỷ đồng, công suất nhà máy 150.000 tấn/năm) sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả XK của Việt Nam, ngành rau quả có nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu XK 4 tỷ USD năm 2018.

Đây được coi là một thành quả vô cùng ấn tượng của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi chỉ cách đây vài năm, XK rau quả vẫn vô cùng bết bát. Nhờ sự linh hoạt trong xoay trục tăng trưởng, chuyển ưu tiên từ lúa gạo sang trái cây, thủy sản, cộng với sự vào cuộc của các địa phương trong việc vận động nông dân sản xuất an toàn, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, nhiều loại trái cây của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, chanh leo, nhãn, vải… đã được các thị trường khó  tính chấp nhận.

Những thứ hạng được ghi nhận

Bên cạnh rau quả, nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam cũng đạt được con số tăng trưởng ấn tượng. Theo Bộ NNPTNT, 3 năm gần đây (2016 - 2018), tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt 109,21 tỷ USD, tăng bình quân 12,17%/năm (cao hơn mức tăng 9,7%/năm giai đoạn 2011 - 2015). Trong giai đoạn này, toàn ngành liên tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sắn, rau quả, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Trong số 10 nhóm mặt hàng XK tỷ USD, nổi bật là có 5 mặt hàng (trái cây, hạt điều, cà phê, tôm, đồ gỗ) đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD. Những kết quả này so với con số 8 mặt hàng có kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên và 4 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD của năm 2013 là điều rất đáng ghi nhận.

Xét về mặt thị trường XK dễ thấy, đến nay nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Anh, Australia, Malaysia, Italia. Việt Nam đứng đầu thế giới về XK hồ tiêu, điều, cá tra; thứ 2 thế giới về cà phê; thứ 3 thế giới về gạo, tôm; thứ 5 thế giới về XK lâm sản...

Để thấy được sức bật, sự đổi thay trong XK nông, lâm, thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra dẫn chứng: Với mặt hàng nông sản XK điển hình của Việt Nam là gạo, 5 năm trước, giá gạo Việt Nam ở rất thấp, thì hiện nay giá gạo thậm chí đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ... Gạo XK có sự đổi thay mạnh mẽ về cơ cấu, giá trị.

Tập trung phát triển thị trường tiêu thụ nông sản là một trong những giải pháp điển hình được Bộ NNPTNT đẩy mạnh nhằm thúc đẩy XK nông sản. Cụ thể, Bộ đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh mở rộng thị trường ngoài nước với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; thúc đẩy đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong thương mại, XK nông, lâm, thủy sản sang các thị trường “khó tính” có giá trị gia tăng cao như thị trường Mỹ (vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa), Australia (vải thiều, xoài, xúc tiến tiếp thị quả có múi), Nhật Bản (thanh long, thịt gà)…; phối hợp với các đại sứ, cơ quan tham tán thương mại về nông nghiệp của Việt Nam tại các nước có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp XK phát triển thị trường, trong đó ưu tiên duy trì thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU và thị trường mới như Thụy Sĩ, Iran, New Zealand...