Dân Việt

Ngoại giao và chủ quyền lãnh thổ

02/01/2012 06:51 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 2011 là thời điểm đánh dấu Ngoại giao Việt Nam đã vượt qua thời kỳ phủ sóng diện rộng “làm bạn với tất cả các nước”.

Mở rộng đối tác chiến lược

Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, năm 2011 có ý nghĩa quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015.

img
Tuần tra trên đảo Sinh Tồn.

Hòa vào dòng chảy chung của thế giới hướng đến thời kỳ tăng trưởng bền vững sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng bước vào triển khai chiến lược tăng trưởng mới, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững nhằm đưa đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Với chủ trương hội nhập quốc tế, Việt Nam tiếp tục triển khai hoạt động ngoại giao toàn diện, mà một trong những định hướng, giải pháp ưu tiên là đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương thông qua việc phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tích cực đóng góp thực chất cho các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực quan trọng mà ta là thành viên.

Trong những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài và của lãnh đạo thế giới đến Việt Nam trong năm 2011, đều nhấn mạnh đến việc hướng đến mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Đặc biệt, trong những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài và của lãnh đạo thế giới đến Việt Nam trong năm 2011, đều nhấn mạnh đến việc hướng đến mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Năm qua cũng đánh dấu mốc thời gian Việt Nam và các nước đối tác liên tục tổ chức và nhấn mạnh đến việc hướng đến quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai, trong đó có Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, EU… Với các nước như Hàn Quốc, Anh đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam thì 2 bên không ngừng tăng cường, phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: Toàn ngành ngoại giao nhận thức rõ trách nhiệm trước đất nước là phải góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đối ngoại về Biển Đông

Năm 2011, ngành ngoại giao Việt Nam đã triển khai đàm phán song phương để tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp về các vấn đề liên quan chỉ tới hai nước, và đa phương trên những vấn đề liên quan tới nhiều nước, nhiều bên.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, trong tất cả các mối quan hệ, lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết.

Trong quá trình đàm phán, chúng ta đã thực thi và đề nghị đối tác cùng tuân thủ các cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), đồng thời cùng các nước hữu quan sớm soạn thảo Bản Quy tắc ứng xử (COC)...

Việt Nam và Trung Quốc đã ký được Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Công tác phân giới cắm mốc giữa ta với Lào và với Campuchia đang được tích cực triển khai thực hiện trên cơ sở những Hiệp định biên giới đã ký kết, góp phần quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng.

Bộ Ngoại giao cho hay, chúng ta đã ký thỏa thuận song phương về hợp tác giải quyết vùng chồng lấn trên biển với từng nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo thuận lợi cho những chương trình hợp tác rộng lớn hơn ở Biển Đông trong khuôn khổ các nước ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc.

Đóng vai trò là thành viên tích cực trong khối ASEAN, Việt Nam cùng các nước thành viên đã nỗ lực đàm phán để khối và Trung Quốc đã thông qua Quy tắc Hướng dẫn thực hiện DOC - một bước tiến quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến vấn đề về chủ quyền lãnh thổ.

Về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rõ: Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự hai quần đảo này ít nhất từ thế kỷ 17, khi đó 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Và trên thực tế, Việt Nam đã làm chủ liên tục 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam chủ trương đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và DOC.

Với quần đảo Trường Sa, chủ trương của Việt Nam là nghiêm túc thực hiện Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và DOC và các thỏa thuận đã ký giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan tuân thủ Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và DOC, đảm bảo tự do, trật tự hàng hải, hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đây cũng là mong muốn, là lợi ích của tất cả các bên liên quan, bởi khu vực Biển Đông có dung lượng vận tải chiếm 50-60% tổng lượng hàng hóa trên cung đường từ Đông sang Tây. Lập trường này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đó cũng là chính sách đối ngoại trên Biển Đông của Ngoại giao Việt Nam trong năm 2012.