Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack |
Mỹ biết tầm quan trọng của nông nghiệp VN
Nói về ý nghĩa của chuyến thăm, ông Vilsack cho biết, ông đến Việt Nam vì nhận thức được tầm quan trọng không chỉ trong việc duy trì mối quan hệ vững mạnh giữa hai quốc gia mà còn bởi khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và giáo dục trong những năm tiếp theo.
Ông Vilsack đánh giá, cách đây không lâu Việt Nam là nước nhập khẩu nông sản Mỹ nhiều ở hàng thứ 50 trên thế giới, nhưng sau 10 năm, thứ hạng này giờ đây chỉ còn là 15. Bộ trưởng Vilsack cũng ca ngợi, Việt Nam từ một nước nhận viện trợ về lương thực, nay đã trở thành một quốc gia không những tự cung cấp lương thực mà còn giúp cung cấp lương thực cho thế giới, là nhà xuất khẩu lớn về lúa gạo, cà phê và các mặt hàng nông sản khác.
Ông Vilsack cho biết: “Việt Nam là nước mà tôi nghĩ các bạn hiểu được tầm quan trọng của kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, kể cả kỹ thuật sinh học, vì vậy đây là cơ hội để chúng ta có được một đồng minh trong nỗ lực này. Nó cũng mở ra triển vọng hợp tác rộng và chặt hơn dựa trên cơ sở sự tăng trưởng mạnh mẽ thị trường Việt Nam trong 15 năm qua”.
Bộ trưởng Vilsack cho rằng, Mỹ cần phải xem xét mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam và Việt Nam cũng cần xem xét tới những phương cách để cho sản phẩm của Mỹ có thể cạnh tranh một cách có hiệu quả và công bằng. Theo ông Vilsack, Mỹ đang rất mong Chính phủ Việt Nam mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt bò của nước này. Kim ngạch thương mại nông sản Việt - Mỹ đã tăng 7.500% trong 15 năm qua, từ 175 triệu USD lên tới 2,3 tỷ USD (năm 2011).
Bộ trưởng Vilsack cũng cho rằng, Việt Nam có cơ hội để nắm giữ vai trò lãnh đạo mà ông gọi là đáng kể trong các cuộc thương thuyết về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bằng cách theo đuổi cách tiếp cận nhiều tham vọng và chủ động để mở cửa các thị trường.
“Tôi thích thanh long Việt Nam”
Trả lời câu hỏi của phóng viên NTNN về triển vọng hợp tác nông nghiệp Việt- Mỹ sau chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Vilsack nhận định, tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa hai nước rất rộng mở. Ông nói, năm 2012, sẽ là năm của những cơ hội hợp tác, đặc biệt Mỹ sẽ mở rộng cửa hơn với nông sản Việt Nam và ngược lại.
Quả thanh long của VN đang được người tiêu dùng Mỹ ưa thích. |
Ông Vilsack cho biết, một số trái cây của Việt Nam như thanh long, chôm chôm, xoài, vú sữa... đang được người tiêu dùng Mỹ yêu thích và bản thân ông cũng rất thích quả thanh long của Việt Nam.
Theo ông, thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam là xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, như: Tình trạng nghèo đói, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn cao, lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt, lượng lao động trẻ ở nông thôn dồi dào nhưng kỹ năng lao động, tay nghề thấp.
Hiện nay, Việt Nam cần triển khai nhiều hoạt động tích cực trao đổi, phối hợp với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Tập trung phát triển những cây nông sản thế mạnh, đồng thời tiếp tục đầu tư vào các cây trồng khác, chẳng hạn như hoa. Việt Nam cũng cần tập trung nghiên cứu phát triển khoa học cho nông nghiệp, thu hút các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, ứng dụng vào thực tế nhằm tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp năng suất cao, chất lượng tốt.
Về những dự án hợp tác sắp tới, Bộ trưởng Vilsack cho biết, Mỹ sẽ chia sẻ với Việt Nam những tiến bộ khoa học mới về công nghệ sinh học, công nghệ gen và tận dụng những sản phẩm của ngành chăn nuôi để sản xuất năng lượng, nhằm tăng thêm giá trị cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo Bộ trưởng, phía Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ, trao đổi chuyên gia, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ sớm là đối tác trong top 10 của Mỹ trong thời gian tới” - Bộ trưởng T. Vilsack nói.
Quang Minh (ghi)