Dân Việt

Phạm Quỳnh - một chặng đường chênh vênh

13/01/2012 09:23 GMT+7
(Dân Việt) - Một buổi tọa đàm ấm áp vừa được tổ chức tại Hà Nội nhân dịp ra mắt tuyển tập “Hoa Đường tuỳ bút”, được coi là tuyệt bút của Thượng Chi Phạm Quỳnh. Đây chính là những trang viết của ông trong những ngày cuối đời.

Một số phận đặc biệt

Tại buổi tọa đàm vào tối 11.1, tất cả các học giả tham dự đều chung nhận định rằng trong guồng quay của lịch sử, dẫu đã có lúc Phạm Quỳnh được nhìn nhận ở những chiều kích khác, ở một góc khuất khác, nhưng ở ông vẫn có điều giản dị để chúng ta trân trọng.

img
 

Đánh giá về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Phạm Quỳnh đã có hàng trăm công trình được các bậc nho sĩ, tiền nhân kể lại khi họ sống cùng thời với Phạm Quỳnh, thậm chí trong số ấy có cả những luận án của các giáo sư, tiến sĩ, sinh viên trực tiếp nghiên cứu, khảo nghiệm hết sức công phu…

Là một người dành nhiều thời gian, tâm trí nghiên cứu về Phạm Quỳnh, PGS - TS Trần Ngọc Vương cho biết: “Trước đây, từng có nhiều đánh giá chưa khách quan về ông, nhiều người coi ông là tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Tuy nhiên gần đây, bắt đầu có sự đánh giá công bằng hơn. “Từ điển Văn học” bộ mới (2004) coi ông là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước. Bên cạnh đó, ông cũng thường được nhắc đến với tư cách là người đi đầu trong công cuộc quảng bá chữ Quốc ngữ”.

Phạm Quỳnh (1892 -1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông là chủ bút báo Nam Phong và là người nổi tiếng với câu nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Còn với PGS - TS Bùi Đình Sử thì: “Phạm Quỳnh là một nhân vật đứng giữa chính trị và văn hóa. Là nhân vật tiêu biểu cho những mâu thuẫn, cho số phận đặc biệt, đặc biệt như chính cuộc đời khắc nghiệt của ông. Ở con người Phạm Quỳnh cũng như văn chương có cái gì đó như thể chứa đựng cả nỗi niềm thời cuộc, nhân tình thế thái, đạo đức.

Dẫu cuộc đời ông là một cuộc đời không bình thường, luôn bước vào những khúc ngặt nghèo của lịch sử thì vẫn cố gắng và nỗ lực, quên mình dành cho lịch sử đời sau một di sản ấy là văn chương, là triết học, là những đóng góp về mặt ngôn ngữ dân tộc. Chính vì thế, tôi mong mọi người khi đến với Phạm Quỳnh nên đến với một thái độ công tâm, sòng phẳng giống như những gì vốn dĩ đã có, để khôi phục danh dự, thân phận, số phận của một cuộc đời đáng kính ấy”.

Một cuốn sách dở dang

Theo dịch giả Cao Việt Dũng, “Hoa Đường tùy bút” là tập hợp 11 bài tạp văn và 51 bản dịch thơ Đỗ Phủ. Các bài tạp văn như “Thế thái nhân tình”, “Muốn sống”, “Chỉ buộc chân voi”, “Văn học Chính trị”, “Vô duyên”, “Con người hiểm độc”, “Anh chàng khoác lác”, “Tư tưởng Keyserling”, “Lão Hoa Đường thiếu Hoa Đường”, “Cô Kiều với tôi”… là những bài viết giản dị, mộc mạc, lưu giữ ký ức cuối đời, đồng thời thể hiện rõ “thái độ ôn hòa, nho nhã” nhưng tiềm ẩn nhiều cảm xúc, rung động của Phạm Quỳnh trước thời buổi “Á Âu xung đột”.

img
Cuốn “Hoa Đường tùy bút” của Thượng Chi Phạm Quỳnh.

51 bản dịch thơ Đỗ Phủ cho thấy dường như Phạm Quỳnh có ý làm một phép so sánh ngầm. Trong sự ám dụ với Đỗ Phủ, ông gián tiếp thể hiện những chiêm nghiệm của mình về cuộc đời và về tình người.

Ngoài ra, theo nhạc sĩ Phạm Tuyên - con trai ông, bản thảo “Hoa Đường tùy bút” vốn được Phạm Quỳnh trao cho nhà thơ Đông Hồ, sau này nhà thơ Đông Hồ mới trao trả lại cho gia đình tác giả. Nguyên mẫu của nhân vật chính trong bài viết “Con người hiểm độc” là một vị Thượng thư trong triều, vì có hiềm khích với Phạm Quỳnh nên nhiều lần rắp tâm hãm hại ông. Và có lẽ, cái chết của Phạm Quỳnh cũng có liên quan đến nhân vật giấu mặt này.

Còn với Nhã Nam - đơn vị chủ biên cuốn sách thì nhận định rằng: “Đọc Hoa Đường tùy bút, chúng ta không gặp những ngôn từ, những vần điệu trau chuốt, chúng ta chỉ được chứng kiến những điều ông đã nghe, đã thấy, đã thể nghiệm và đồng cảm với ông qua lời cảm hoài: Thiếu Hoa Đường này cũng sinh vào thời loạn là buổi Á Âu xung đột, mà tự khờ dại đem mình ra lăn lộn giữa phong trào hỗn độn, trong thời buổi nhá nhem... chỉ biết đem một thái độ ôn hòa nho nhã mà đối với cái cuồng phong bác tạp hỗn hào...”.