“Tiến cử nhân tài” là định hướng không mới, trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về nhân tài, vậy làm thế nào để phát hiện đúng nhân tài mà tiến cử, thưa ông?
- Để phát hiện được nhân tài đầu tiên phải hiểu được thế nào là nhân tài. Tại hội thảo “Nhân tài với thịnh suy của đất nước” vừa tổ chức, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến. Tựu trung lại thì các ý kiến đều cho rằng nhân tài không có nghĩa là chỉ những người làm công tác nghiên cứu khoa học, làm những việc trọng đại… mà nhân tài phải xét ở rất nhiều góc độ khác nhau.
Nhân tài rất cần có chính sách trọng dụng. Ảnh minh họa. |
Theo đó, nhân tài có thể được phân định thành 4 thứ hạng: Thứ nhất là vĩ nhân (những người có sự nghiệp làm thay đổi và khai sinh ra một thời đại, thậm chí cả một kỷ nguyên mới về ý thức hệ kinh tế, xã hội, triết học, văn hoá…); hai là danh nhân (những người mở đầu, khai sáng phát triển khoa học); ba là người có danh vị; thứ tư là người tài năng (đây là những người nổi trội so với người khác trong một giới hạn nào đó trong nghề nghiệp hay cộng đồng dân cư).
Tôi cho rằng cả 4 thứ hạng nhân tài nêu trên đều không liên quan gì đến học vị, bằng cấp mà được xét bằng giá trị thực tiễn mà họ đã đóng góp cho cộng đồng, dân tộc và cao hơn nữa là nhân loại.
Có nghĩa là cả những người nông dân nghèo, thậm trí không có học thức, không biết chữ nhưng có sáng kiến hay, hữu ích cũng có thể được coi là nhân tài?
- Đúng vậy, nhân tài của chúng ta có ở khắp mọi nơi, những nông dân sáng tạo máy móc như máy bóc hành tỏi, đào khoai tây... tất cả những vấn đề rất tỉ mỉ mà có khi cả một nhà máy cơ khí nông nghiệp cũng không làm được điều này. Vì vậy chúng ta cần có chính sách tiến cử và trọng dụng hợp lý.
Vậy việc tiến cử sẽ được thực hiện như thế nào, đặc biệt là đối với những nhân tài “tự do”, không hoạt động trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nào?
- Hiện nay việc ghi nhận nhân tài vẫn dựa trên cảm tính, người này có thể nói là anh có tài, nhưng người khác lại chưa hài lòng với điều đó. Vì vậy, rất cần có chính sách để những cơ quan, tổ chức, cá nhân dám đứng ra tiến cử người tài và chịu trách nhiệm trước việc tiến cử của mình.
Người phát hiện và tiến cử được nhân tài, khi nhân tài được trọng dụng thì người tiến cử cũng phải được thưởng và ngược lại nếu nhân tài vì tiến cử nhầm, trọng dụng nhầm mà bị xử phạt thì người tiến cử cũng bị phạt. Nếu làm được điều đó thì nhân tài sẽ không bị bỏ sót.
Ông Vũ Ngọc Phương
Tuy nhiên chính sách hiện nay vẫn chưa thực sự giữ chân được nhân tài thì làm thế nào có được chính sách thỏa mãn, thu hút được người tiến cử, thưa ông?
- Đó cũng là một vấn đề nhức nhối nhưng “lực bất tòng tâm” khi nền kinh tế quốc gia chưa đạt được đến tầm có thể giải quyết trọn vẹn vấn đề đó. Việt Nam rất nhiều nhân tài, những học sinh đoạt giải cao về quốc tế…Tuy nhiên, thật đáng tiếc là phần lớn trong số đó sau khi được vinh danh ít phát huy được tài năng, hoặc nếu có cũng chỉ có thể phát huy được ở… nước ngoài.
Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện cơ sở lý luận để hình thành cơ chế đề xuất lên trên. Không hy vọng rằng xã hội sẽ công nhận nhưng cũng mong sẽ góp một tiếng nói vào chính sách giữ gìn nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Tùng Anh (thực hiện)