Chiều 13.11, trao đổi PV Dân Việt, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định: "Chúng tôi đã có kết luận và gửi cho Huyện ủy để xử lý về mặt Đảng trước, sau đó chính quyền mới tiếp tục xử lý sau. Nhưng đến thời điểm này phía Huyện ủy chưa trả lời kết quả xử lý. Hoàn toàn không có chuyện huyện bao che, hay dung túng cho sai phạm đối với số lãnh đạo và cán bộ này".
Xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, nơi phát hiện 4 cán bộ và lãnh đạo sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả.
Tại buổi làm việc vào chiều cùng ngày, ông Phạm Văn Vân - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Lý Sơn cho biết: "Để xử lý số lãnh đạo, cán bộ vi phạm cần phải kiểm tra, xem xét và đối chiếu đảm bảo đúng quy trình. Vì vậy cần phải có thời gian chứ không thể làm nhanh được. Hiện chúng tôi đang thực hiện các bước để kỷ luật về mặt Đảng. Với hành vi vi phạm trên nếu là đảng viên thì mức kỷ luật sẽ là cảnh cáo, còn lãnh đạo sẽ bị cắt chức vụ trong Đảng".
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.
Cũng theo vị Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Lý Sơn, tại buổi làm việc trước đó, ông N.A.Đ - Phó Chủ tịch UBND xã An Vĩnh (1 trong 4 trường hợp bị phát hiện dùng bằng giả) xin đề nghị tự nguyện không làm Phó Chủ tịch xã này. Tuy nhiên ông này đang trong giai đoạn xem xét kỷ luật nên đề nghị tự nguyện không phù hợp.
Được biết trước đó, chính quyền huyện Lý Sơn đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi xác minh thông tin một số cán bộ và lãnh đạo xã An Vĩnh không tham gia thi nhưng vẫn có bằng tốt nghiệp THPT. Kết quả, đã phát hiện 4 cán bộ, lãnh đạo của xã này không có tên trong danh sách tham gia tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong số đó có ông N.A.Đ - Phó Chủ tịch UBND xã này.