Dân Việt

Cổ phần hoá Hãng phim truyện VN: Vivaso phải rút vốn trước thời hạn

Huy Hoàng 15/11/2018 07:16 GMT+7
Sáng 14.11, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam gặp gỡ báo chí chia sẻ những bức xúc xung quanh quá trình thoái vốn của Công ty Vận tải thủy Vivaso khỏi hãng.

Nhiệm vụ bất khả thi

Theo đó, ngày 12.11, Công ty CP đầu tư phát triển phim truyện Việt Nam nhận được công văn số 4974/BVHTTDL-KHTC đề ngày 29.10.2018 của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Lê Quang Tùng ký về việc triển khai thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ. Văn bản này đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ các nghệ sĩ.

img

Các nghệ sĩ gặp gỡ báo chí sáng 14.11 tại Hội Điện ảnh Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà

NSND Thanh Vân cho biết: “Văn bản số 4974 của Bộ VHTTDL gửi Công ty CP đầu tư phát triển phim truyện Việt Nam được đề ngày 29.10, nhưng ngày 12.11 chúng tôi mới nhận được. Văn bản của Bộ yêu cầu nộp báo cáo giải trình trước ngày 15.11. Với thời gian 3 ngày liệu có làm được?”.

Theo quan điểm của NSND Thanh Vân, văn bản số 4974 đi ngược với kết luận của Thanh tra Chính phủ. “Ngoài văn bản mà chúng tôi được biết, ngày 19.9, chúng tôi gồm ông Vũ Đức Tùng, đại diện phần vốn nhà nước, tôi có mặt tại Bộ VHTTDL để nghe Thứ trưởng Lê Quang Tùng chủ trì cuộc công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ. Như vậy, kể từ ngày công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ thì tôi được hiểu Công ty Vận tải thủy sẽ chỉ thực hiện rút vốn và mặc định Công ty Vận tải thủy sẽ không có quyền điều hành tại Hãng phim Truyện Việt Nam.

Đồng thời, song song với việc Công ty Vận tải thủy thực hiện rút vốn khỏi Hãng phim Truyện Việt Nam thì Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ VHTTDL tìm kiếm nhà đầu tư mới. Từ đó đến nay là gần 2 tháng, nhưng những gì Bộ VHTTDL thực hiện khiến tôi thất vọng.

Chúng tôi quan tâm tiến trình Công ty Vận tải thủy thực hiện thoái vốn đến đâu và bao giờ thì kết thúc, cũng như tiến trình tìm nhà chiến lược mới như thế nào, kế hoạch ra sao... Nhưng chúng tôi đều không nhận được câu trả lời từ phía Bộ VHTTDL, mà lại nhận được văn bản số 4974 của Bộ.

Điều khiến anh em nghệ sĩ chúng tôi cảm thấy khó hiểu là trong văn bản số 4974, mục 4.2: Yêu cầu nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm nội dung về mục tiêu: Kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường; giải pháp sử dụng nguồn nhân lực nhất là đối với các nhà đạo diễn, quay phim, biên kịch… gạo cội trong làng điện ảnh trong phương án hỗ trợ sản xuất kinh doanh để Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc xem xét, phê duyệt, bổ sung vào kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong thời gian tới.

Đọc mục 4.2 này có thể thấy đi ngược với kết luận của Thanh tra Chính phủ. Và hiểu tiếp thì ở đây đang mặc định tiếp tục thừa nhận quyền điều hành của Hội đồng quản trị bao gồm ông Thuỷ Nguyên, ông Nguyễn Danh Thắng, ông Nguyễn Tuấn Anh tại Hãng phim Truyện Việt Nam”.

Cũng theo NSND Thanh Vân, văn bản số 4974 còn có tính bất khả thi, bởi những công việc được yêu cầu trong văn bản, về xác định vốn, về thuế đất… được thực hiện bởi ban kiểm toán, ban tư vấn… trong 2 năm còn làm không đúng, kéo dài, thì bây giờ giao cho hai người đại diện vốn nhà nước, không có chức danh, không có con dấu.

Ví dụ như đi giải quyết các vấn đề về đất đai với các đối tác và chính quyền ở TP. Hà Nội và TP.HCM. Các vị lãnh đạo hãng phim đã về hưu hay ngay cả các vị là đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam cũng không thể tự đi giải quyết được các vấn đề này.

img

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ với báo chí sáng 14.11. Ảnh: Thanh Hà

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, điều anh em nghệ sĩ quan tâm nhất là Bộ VHTTDL đã triển khai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đến đâu, Công ty Vận tải thủy thoái vốn như thế nào... Bà Hồng Ngát cũng cho rằng văn bản số 4974 của Bộ VHTTDL có những sự bất hợp lý, như mục 4.1: Yêu cầu kiện toàn ngay bộ máy lãnh đạo của công ty, sắp xếp lại các phòng ban, chi nhánh cho phù hợp… Với hai người đại diện phần vốn nhà nước là ông Vũ Đức Tùng với 10% cổ phần, ông Nguyễn Tuấn Anh với 18% cổ phần, liệu có thể kiện toàn bộ máy lãnh đạo công ty?

Ngoài ra, trong văn bản số 4974 có yêu cầu nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam, Ban giám đốc của Hãng phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ phối hợp với người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển phim Truyện Việt Nam triển khai thực hiện các công việc.

“Tuy nhiên, nói về Ban giám đốc của Hãng phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ thì có những người đã mất, có người già yếu. Vậy thì việc “gói” tất cả yêu cầu phối hợp liệu có ổn? Trong khi mỗi một thời kỳ giám đốc chúng tôi đều có kiểm kê tài sản, vốn… đều có văn bản dấu đỏ bàn giao trước khi về hưu”, nhà biên kịch Hồng Ngát chia sẻ.img

Bộ VHTTDL gặp gỡ báo chí chiều 14.11 tại Bộ VHTTDL. Ảnh: Thanh Hà

Gia hạn giải trình thêm 1 tháng

Trả lời thắc mắc này, tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 14.11 để giải tỏa những khúc mắc về tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện VN, ông Trần Hoàng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTTDL cho biết, đúng theo tinh thần kết luận của Thanh tra Chính phủ, là Hãng phim Truyện Việt Nam được thanh tra qua nhiều thời kỳ bao gồm: Công ty TNHH MTV; Công ty Cổ phần Hãng phim Truyện Việt Nam.

"Bộ VH căn cứ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, chỉ có những giám đốc qua các thời kỳ mới nắm rõ được vấn đề khi họ làm lãnh đạo tại Hãng phim truyện Việt Nam. Và Bộ yêu cầu họ giải trình cụ thể để rõ từng khâu, có như thế mới biết sai, vi phạm ở đâu để xử lý. Tôi được biết, có những vi phạm, sai sót cho việc thuê đất ở số 4 Thuỵ Khuê đã diễn ra từ năm 1998", ông Trần Hoàng cho hay.

Trước câu hỏi của đạo diễn, NSND Thanh Vân về việc vì sao một nhà đầu tư chiến lược đang trong thời kỳ thoái vốn lại có thể được yêu cầu lên kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường; giải pháp sử dụng nguồn nhân lực..., ông Trần Hoàng cho biết: "Đây là bổ sung cho phương án cổ phần hoá mà trước đây đã có và giờ để hoàn thiện hơn cho đến khi có nhà đầu tư chiến lược mới. Chứ không phải phương án này sẽ do nhà đầu tư chiến lược Vivaso thực hiện”.

Ông Trần Hoàng cũng cho hay, "văn bản 4974 chúng tôi gửi ngày 29.10.2018. Tuy nhiên, vừa rồi chúng tôi có nhận được thông tin từ Công ty Cổ phần Hãng phim Truyện Việt Nam cho biết ngày 12.11.2018 mới nhận được. Bộ VHTTDL đã có tiếp công văn số 5149 ngày 13.11, gia hạn nộp báo cáo giải trình trước ngày 15.12.2018".

Với câu hỏi quá trình thoái vốn của nhà đầu tư chiến lược Vivaso đến đâu và bao giờ kết thúc quá trình thoái vốn, ông Trần Hoàng chia sẻ: “Như tôi đã trình bày trước đó, Bộ VHTTDL đã có kế hoạch cụ thể cho từng đối tượng. Văn bản số 4974 gửi Công ty Cổ phần Hãng phim Truyện Việt Nam chỉ là một phần nội dung những người liên quan tới công ty. Còn đối với nhà đầu tư chiến lược Vivaso, Bộ đã có phương án, kế hoạch để rút vốn theo kết luận Thanh tra Chính phủ. Ban chỉ đạo đổi mới và doanh nghiệp của Bộ VHTTDL cũng sẽ có những giải trình để làm rõ các bên liên quan quá trình cổ phần hoá. Tất cả các bước đều được Bộ VHTTDL thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ”.

Ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL khẳng định: “Bộ VHTTDL sẽ thực hiện nghiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nhà đầu tư chiến lược Vivaso chắc chắn sẽ phải rút vốn trước thời hạn. Mục tiêu của Bộ VHTTDL là sự phát triển tốt nhất với Hãng phim truyện Việt Nam”.