Nông sản Việt gian nan tìm chỗ đứng
Chúng tôi tìm về “thủ phủ” tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vào đúng thời điểm giá tiêu rớt xuống tận đáy, bà con nông dân đang trong tình trạng nhìn vườn tiêu mà rớt nước mắt. Nhiều gia đình đã không trụ được phải bán vườn, ly hương để tìm kế sinh nhai. Thế nhưng, ở thôn An Điền, xã Ia Blang, có một “đại gia chân đất” vẫn sống khoẻ từ vườn cao su và hồ tiêu với tổng diện tích hơn 35ha.
“Vùng đất Chư Sê này, cây tiêu đã nổi tiếng không chỉ trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài. Nói đến tiêu là phải nói đến tiêu Chư Sê vì những người dân ở đây bao nhiêu năm qua đã sống và làm giàu nhờ nó. Tuy nhiên để bảo tồn và giữ vững thương hiệu cho cây tiêu thì rất cần sự trợ giúp của các cấp và nhất là ngân hàng trong việc hỗ trợ và bảo hộ cho cây tiêu khi nó bị rớt giá” ông Lê Hùng Huấn một lão nông quyết sinh tử cùng cây tiêu ở Chư Sê Gia Lai tâm sự.
Không hùa theo phong trào “chặt tiêu trồng cây ăn quả”, ông Huấn đã tìm đến Agribank cầu cứu bằng viêc cầm cố sổ đỏ đất vườn để vay ngân hàng 7 tỷ mua thêm gần chục ha đất mở rộng diện tích trồng hồ tiêu.
Bài toán đầu tư khác người của ông Huấn khiến chúng tôi tò mò. Nhưng câu trả lời của vị đại điền chủ này chẳng có gì phức tạp: “Đã mang nghiệp trồng cây lâu năm, thì lúc nào cũng phải sẵn sàng đối mặt với những chu kỳ thị trường rớt giá”.
Mỗi cây hồ tiêu, cao su có vòng đời trung bình khoảng 15 – 20 năm, bao giờ cũng có thời điểm giá lên cao (lợi nhuận hoàn toàn bù đắp được chi phí đầu tư kiến thiết), và khi đã hoàn vốn đầu tư rồi, kể cả giá có xuống 50.000 đồng thì người trồng vẫn có lãi (vì chi phí chăm sóc không cao).
Ông Huấn cũng chia sẻ: Đa phần người trồng tiêu chết ở lòng tham. Thời điểm giá tiêu đạt kỷ lục 180 – 200 ngàn đồng/kg, người ta mua phân hoá học rải khắp vườn để vắt kiệt sức cây tiêu, cốt lấy năng suất cao để bán kiếm lời. Như vậy là tự hại mình, bởi cây tiêu yếu rất dễ bị nhiễm bệnh và chết. Bao công sức đầu tư coi như đổ sông đổ bể.
Gia đình ông Huấn có gần 20 năm trồng tiêu hữu cơ trên trụ sống, chi phí bón lót phân chuồng ở thời điểm kiến thiết tuy cao hơn, nhưng tiêu khoẻ, sạch bệnh. Vườn tiêu rộng hơn 5ha của ông đã 15 tuổi, nhưng chúng vẫn cực kỳ sung sức, năm vừa rồi năng suất đạt hơn 20 tấn, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng. Bện cạnh đó, vườn cao su hơn 30ha cũng cho lợi nhuận mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng.
Theo ông Thân Hữu Mười – Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Chư Sê cho biết: Là ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất trên địa bàn huyện, chúng tôi luôn khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hiệu quả bền vững. Không chỉ cho vay mở rộng sản xuất, những năm qua, Agribank cũng tích cực giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi theo chương trình tái canh cây cà phê; xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản từ trang trại đến bàn ăn. Nhờ đồng vốn hữu hiệu này, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu, khiến bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Góp sức của “Bà đỡ Agribank”
15 năm trước, Hàm Yên là cái tên ít được biết đến, hoặc có biết thì cũng là địa bàn đặc biệt khó khăn. Nhưng nay, Hàm Yên đã trở thành “địa chỉ” đỏ về đặc sản trái cây và là 1 trong top 50 trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam. Với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 45.000 tấn, doanh thu đạt hơn 500 tỷ đồng, cam sành Hàm Yên đã trở thành cây trồng làm giàu bền vững của đồng bào Hàm Yên.
Theo ĐBQH Ma Thị Thúy, triển khai Đề án Phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014-2020, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ trồng mới, trồng lại; chăm sóc cam kinh doanh. Đặc biệt, đối với chính sách hỗ trợ, các trang trại trồng cam đủ điều kiện được công nhận là kinh tế trang trại, ngoài được hưởng các chính sách của Nhà nước, của tỉnh theo quy định, còn được hưởng chính sách ưu tiên về khuyến nông, khoa học kỹ thuật và chính sách về tín dụng.
Bên cạnh đó, các cán bộ tín dụng Agribank Tuyên Quang đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, địa phương, các tổ chức hội giúp đỡ các hộ có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Tại Hàm Yên, hiện dư nợ cho vay trồng cam lên tới 106,6 tỷ đồng chiếm 73% tổng dư nợ toàn huyện.
Biệt danh “tỷ phú chân đất”là cách gọi của giới thương lái dành cho những ông chủ vườn cam ở Phù Lưu. Tính sơ sơ, hiện Phù Lưu có hơn 40 tỷ phú. Đa phần trong số họ là người bản địa, gắn bó với cây cam ít cũng cả chục năm, nhiều cũng tới vài ba thập kỷ.
Anh Nình Hòa, sinh năm 1986, người dân tộc Tày ở thôn Pá Han, xã Phù Lưu – một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất nhì trong xã hớn hở giới thiệu về đồi cam 1.500 gốc đang ở kỳ cho quả sung nhất. Anh Nình Hòa khoe, có cây lâu năm cho thu hoạch 1,5 tấn quả/năm. Còn loại cây cho 2 tạ quả/năm là chuyện bình thường. Năm vừa rồi, vườn cam của anh cho sản lượng gần 200 tấn, sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình còn lại hơn 1 tỷ đồng. Anh kể, từ lúc vào nghề đến nay anh vẫn luôn là khách hàng của nông Ngân hàng Nông nghiệp và nhờ thế anh mới có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình như bây giờ.
Ngoài việc là tỷ phú cam, anh Nình Hòa còn đảm nhiệm chức Bí thư Chi bộ thôn Pá Han. Nhờ làm Bí thư đã giúp anh Hòa nắm được chủ trương đường lối của xã, của huyện thậm chí của tỉnh trong mở rộng, quy hoạch vùng cam; mở rộng thị trường tiêu thụ; cách thức chăm sóc để cho những vườn cam sạch, chất lượng… từ đó tìm hướng đi cũng như giữ gìn thương hiệu cam cho mình và bà con trong thôn.
Chủ tịch xã Phù Lưu Đỗ Hữu Ước cho hay, cam của Phù Lưu chiếm ½ sản lượng của cả huyện Hàm Yên. Cũng nhờ chuyển đổi đúng hướng, nhờ nguồn vốn tín dụng nông nghiệp luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay nên người dân có điều kiện mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Hiện, Phù Lưu có 2.300 hộ thì có tới hơn 100 xe hơi, trị giá mỗi chiếc trên 1 tỷ đồng, chưa kể hầu như nhà nào cũng có xe tải để chở hàng. Còn việc người dân xây nhà 2 – 3 tỷ là chuyện bình thường.
Cây cam không chỉ giúp người dân sở tại làm giàu, mà còn thay đổi cả đời sống của người dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Hiện, gần 100% hộ tái định cư về Phù Lưu có đất trồng cam và sống được nhờ cây cam. Điển hình như gia đình ông Nông Khánh Hòa từ xã Xuân Tân, huyện Na Hang di dân về thôn Nà Có. Sau chục năm đã sở hữu 7ha cam, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Vì một nền nông nghiệp xanh
Cây tiêu ở Chư Sê, cam Hàm Yên là một trong những đặc sản của nông sản Việt trong những năm qua đã gây dựng thành những thương hiệu nông sản uy tín trên thị trường quốc tế. Với quyết tâm đổi mới. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới nên hiện nay mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư bài bản đúng hướng bước đầu đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam vươn lên là một trong 5 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới với một số ngành hàng nông nghiệp. Nhiều nông sản xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính trên thế giới, ví dụ cao su, tiêu, rau quả…Trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu nông sản đạt 12,3 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu nông sản chính đạt 6,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ; thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13%; lâm sản 2,7 tỷ USD, tăng 7,9%...Thay vì năm 2017 đạt 36,7 tỷ USD thì năm nay sẽ vượt con số 40 tỷ USD.
Tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, Agribank là ngân hàng khởi xướng và tiên phong triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đối với các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Để đón “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Agribank đã tích cực đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Mới đây, Agribank và Yanmar, doanh nghiệp đứng thứ hai của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp, máy thủy, động cơ tàu biển đã ký thỏa thuận xây dựng chương trình hỗ trợ tài chính đối với khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn tại Agribank để mua máy móc từ các đại lý của Yanmar Việt Nam. Việc hợp tác chính là “cầu nối” quan trọng cho nông dân Việt Nam tiếp cận với công nghệ, máy móc có chất lượng cao, hiện đại và tiên tiến nhất trên thế giới.
Với mạng lưới hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, trải qua gần 30 năm đồng hành và phát triển lớn mạnh cùng đất nước trên hành trình đổi mới, với kinh nghiệm hoạt động ở thị trường nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã thực sự là một ngân hàng của “Tam nông” khi lan tỏa mạng lưới tới tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của đất nước nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng tới từng thôn, bản, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của khách hàng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Diện mạo nông thôn Việt Nam nhờ những chính sách tín dụng ưu đãi của Agribank đang đổi thay từng ngày. Agribank đã mở ra cơ hội thoát nghèo và tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương và thực sự trở thành đòn bẩy hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.