Chủ động phòng, chống
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được công văn khẩn của Chính phủ và Bộ NNPTNT về đối phó dịch tả lợn, Sở đã đôn đốc các quận, huyện nâng cao tinh thần phòng chống dịch.
Đồng thời, sở thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch (từ nay đến 30.12.2018) tại 30 quận, huyện, thị xã; phối hợp ngành công thương, Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, Sở Thông tin - Truyền thông… chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn vào Thủ đô.
Các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông, kiểm dịch động vật liên ngành, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú ý… cũng được tăng cường.
Trang trại lợn của HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Theo ông Chu Phú Mỹ, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn. Lấy mẫu giám sát virus dịch tả lợn châu Phi đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nghi mắc bệnh, nghi nhập lậu (thịt tươi, thịt đông lạnh, dăm bông, xúc xích) tại các điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn khi phát hiện có virus dịch tả lợn châu Phi... |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện nay dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng nguy cơ xảy ra dịch đang cận kề, bởi thời tiết và diễn biến dịch bệnh khá phức tạp. Cùng với đó, dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân Hà Nội tăng khoảng 20% sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm soát, kiểm dịch sản phẩm động vật.
"Trung bình 1 ngày thành phố tiêu thụ khoảng 20.000 tấn thịt lợn hơi, tháng tết có thể tăng lên 24.000 tấn. Do đó, nếu chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhất là từ các tỉnh giáp biên giới vào Hà Nội là điều khó tránh khỏi" - ông Sơn cảnh báo.
Người nuôi vẫn lo lắng
Ông Nguyễn Tiến Phương - chủ trang trại lợn ở Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, so với tuần trước, hiện giá lợn hơi đã chững lại, dao động quanh mức 45.000 đồng/kg.
"Với giá này người nuôi vẫn có lãi khá, nhưng tôi và nhiều người chăn nuôi đang rất lo sợ dịch tả sẽ lây lan vào nước ta, ảnh hưởng đến chăn nuôi và giá lợn. Hiện, chúng tôi rất cần Bộ NNPTNT cập nhật, dự báo sớm tình hình và cảnh báo sớm nhằm giúp nông dân yên tâm chăn nuôi" - ông Phương khẳng định.
Là chủ một trong những đơn vị có trang trại nuôi lợn lớn ở Hà Nội với 650 lợn nái, 6.000 lợn thịt, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long cũng đang rất lo ngại trước thông tin về dịch tả lợn châu Phi. Đáng nói, dịch bệnh nguy hiểm này hiện chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc đặc trị, tỷ lệ đàn vật nuôi chết từ 70 - 100%...
“Thời gian qua chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định về vệ sinh an toàn thú y. Đồng thời bố trí cán bộ kỹ thuật, công nhân thường trực tại trang trại, phun thuốc sát trùng định kỳ 2 ngày/lần ở bên ngoài chuồng nuôi và 2 lần/tuần trong chuồng nuôi; 1 lần/ngày với khu vực quanh trại...” - ông Long chia sẻ.