ViettelPost hiện hoạt động chính trong các lĩnh vực như cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh bưu phẩm, bưu kiện hàng hóa; bưu chính. (Ảnh minh họa)
Cách đây ít ngày, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (ViettelPost) đã có văn bản đề nghị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về việc chốt danh sách cổ đông và ngừng nhận hồ sơ chuyển quyền sở hữu chứng khoán mã VTP nhằm đăng ký giao dịch cổ phiếu tại sàn UpCom.
Theo đó, ViettelPost sẽ ngừng nhận hồ sơ chuyển quyền sở hữu chứng khoán từ ngày 15.11. Đồng thời, chốt danh sách người sở hữu chứng khoán mã VTP tại ngày 16.11. Như vậy, thời điểm cổ phiếu VTP của ViettelPost lên sàn đã tới gần.
Tổng tài sản tăng 50% nhờ tăng cường vay nợ?
ViettelPost hiện hoạt động chính trong các lĩnh vực như cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh bưu phẩm, bưu kiện hàng hóa; bưu chính; phát hành báo... Với hệ thống 61 chi nhánh cùng các công ty trực thuộc tại 3 quốc gia là Việt Nam, Campuchia và Myanmar, hoạt động kinh doanh của ViettelPost đã ghi nhận nhiều bước phát triển trong thời gian qua.
Theo báo cáo tài chính quý III.2018 của ViettelPost, doanh thu của Tổng Công ty ghi nhận sự tăng trưởng khá ấn tượng, lên tới 24% nhờ sự tăng trưởng mạnh ở mảng cung cấp dịch vụ với mức tăng trưởng 40,7%. Đây cũng là mảng đóng góp lớn nhất vào doanh thu của ViettelPost với tỷ trọng lên tới 82%. Tiếp đó, mảng bán hàng đóng góp 17,5% vào tổng doanh thu, hoạt động khác chiếm 0,5%.
Quý III.2018, ViettelPost cũng ghi nhận tổng doanh thu tài chính cũng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 14 tỷ đồng. Song hành cùng sự tăng trưởng của tổng doanh thu, tổng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp quý III.2018 cũng tăng gần 52% lên hơn 61,6 tỷ đồng.
Kết quả, ViettelPost ghi nhận 1.334 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 76 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24% và 58% so với cùng kỳ năm 2017. Một điểm đáng chú ý là biên lãi gộp của ViettelPost trong quý III.2018 đã tăng lên mức 10,7%, trong khi con số này là hơn 8,9% vào cùng kỳ năm 2017.
Mảng cung cấp dịch vụđóng góp lớn nhất vào doanh thu của ViettelPost với tỷ trọng lên tới 82%. (Ảnh minh họa)
Tại thời điểm 30.9.2018, tổng tài sản của ViettelPost đạt 2.631 tỷ đồng, tăng gần 880 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 50%. Trong đó, nợ phải trả là 2.015 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76,6% tổng tài sản của công ty. Còn vốn chủ sở hữu 616 tỷ đồng, bằng 23,4%.
Trong đó, nợ phải trả của ViettelPost tăng gần 800 tỷ đồng xuất phát từ việc khoản phải trả người bán ngắn hạn của doanh nghiệp tăng hơn 300% lên 321,8 tỷ đồng. Đồng thời, số vay nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng tăng tới 601 tỷ đồng, tương đương 212% so với thời điểm đầu năm 2018.
Mặc dù hệ số nợ hơn 76%, tuy nhiên nợ chủ yếu là không phải trả lãi do đặc thù kinh doanh, trong đó phần thu hộ là 550 tỷ, nợ chưa đến kỳ trả ng lao động là 411 tỷ và nợ nhà cung cấp không phải trả lãi là 321 tỷ. Đây là lợi thế hoạt động của công ty.
Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lớn nhất của ViettelPost là với BIDV - Sở giao dịch 1, số tiền: 399,24 tỷ đồng. Tiếp đó, Agribank - Chi nhánh Đông Hà Nội, BIDV - Chi nhánh Hà Nội, Viettinbank - Chi nhánh Hà Nội...
Vay nợ lớn dẫn tới chi phí lãi vay nhiều. Trong quý III.2018, ViettelPost ghi nhận con số chi phí lãi vay là 5,62 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với con số 784 triệu đồng cùng kỳ năm 2017.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất giữa niên độ của ViettelPost cho biết, hết quý III.2018, tiền lãi vay đã trả của doanh nghiệp là hơn 11,92 tỷ đồng. Còn khoản tiền chi trả nợ gốc vay là hơn 5,711 tỷ đồng.
Về vay nợ ngân hàng, thực tế nợ ngắn hạn vay ngân hàng phải trả lãi của công ty là 601 tỷ, tăng hơn 400 tỷ so với đầu 2018 và chỉ chiếm 22,8 phần trăm trên tổng nguồn vốn. Lý do vay tăng thêm do lợi thế của công ty hoạt động kinh doanh tốt nên lãi suất ngân hàng cho vay thấp, trong khi công ty có những khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hưởng lãi suất cao hơn nhiều so với lãi vay. Đây cũng là lợi thế của công ty. Điều này có thể thấy rõ doanh thu hoạt động tài chính cao gần gấp 3 lần so với chi phí tài chính.
Về khả năng thanh toán, tài sản ngắn hạn của công ty là 2.115 tỷ đồng, (trong đó tiền mặt bao gồm tiền và tương đương cộng với đầu tư tài chính ngắn hạn có thể chuyển đổi ra tiền bất cứ lúc nào là 1.275 tỷ đồng) trong khi nợ ngắn hạn chỉ có 2,014 tỷ. Điều này cho thấy khả năng thanh khoản của công ty là rất tốt.
Báo cáo tài chính cho thấy, dòng tiền, tiền lực tài chính và khả năng thanh toán của Viettel Post rất mạnh, thể hiện lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty trong các năm và quý qua đều dương.
Hé lộ cơ cấu cổ đông của ViettelPost
Viettel Post dự kiến sẽ là đơn vị thứ 3 của Tập đoàn Viettel đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán sau Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel, Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global).
Cơ cấu cổ đông của Viettelpost
Cơ cấu cổ đông của Viettel Post gồm Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) (nắm giữ 68,08% vốn điều lệ), Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (sở hữu 5,08%), các cổ đông khác sở hữu 26,84% vốn điều lệ.
Trong tháng 6, Viettel Post thực hiện phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1000:394 (người sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 394 cổ phiếu mới) tăng vốn điều lệ từ 297 tỉ đồng lên gần 414 tỷ đồng.