Dân Việt

Những thủ khoa không “ngủ quên"

02/01/2012 06:37 GMT+7
(Dân Việt) - Theo bước các em, qua một học kỳ, chúng tôi đã gặp lại 3 thủ khoa. Các em đã khẳng định được năng lực của mình và đang rèn luyện để sau này làm được những việc có ích cho quê hương.

Thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương: Cái Tết đánh dấu sự trưởng thành

Đỗ thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương với số điểm 29 và cũng trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội với số điểm 26,5, Nguyễn Duy Hải được nhiều người biết đến là một cậu học trò nghèo có ý chí vượt khó và nỗ lực học tập đáng ghi nhận.

img
Nguyễn Duy Hải mơ trở thành doanh nhân thành đạt.

Hải là con thứ hai trong một gia đình thuần nông nghèo với thu nhập chính dựa vào mấy sào ruộng. Những năm gần đây, ngoài công việc đồng áng, bố Hải còn tranh thủ đi làm thêm nhiều nghề để có tiền lo cho 2 chị em ăn học.

Khi còn đi học trên phố huyện, Hải đã cùng bố đi phụ hồ để kiếm thêm tiền ăn học. Vừa học, vừa làm nhưng thành tích học tập của Hải luôn làm hài lòng các thầy cô và khiến bạn bè ngưỡng mộ. Trở thành thủ khoa ĐH Ngoại thương chính là bước khởi đầu cho ước mơ trở thành một doanh nhân thành đạt của Hải.

Kỳ thi ĐH- CĐ năm 2011 đã vinh danh nhiều thủ khoa nghèo, xuất thân từ nông thôn. Báo NTNN cũng đã có sự hỗ trợ cho các em bằng Chương trình học bổng “Nâng bước thủ khoa nghèo”.

Gặp lại Nguyễn Duy Hải sau 5 tháng ngồi trên ghế giảng đường của trường ĐH danh tiếng, đã thấy em trưởng thành, năng động và chững chạc hơn rất nhiều từ hình thức đến cách nói chuyện. Hải chia sẻ: “Môi trường ĐH khác nhiều với môi trường trường học phổ thông nên nó đòi hỏi em không chỉ nỗ lực hơn trong học tập, mà còn phải năng động trong mọi hoạt động khác”.

Chính bởi thế, Hải đang là một cán bộ Đoàn trường được đánh giá năng nổ và nhiệt huyết. “Việc tham gia công tác Đoàn đã giúp cho em tự tin hơn, học được nhiều kỹ năng mềm, học cách làm việc, cách tổ chức công việc và hiểu được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống”.

Trở thành thủ khoa, Hải đã được nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ và tiếp sức cho em về vật chất và tinh thần, trong đó có học bổng của Báo NTNN kết hợp với BIDV trao. Hải cho biết: “Đó là những nguồn động viên lớn cho em vững bước trên giảng đường. Tại trường, em cũng được hỗ trợ về học phí, nên các khoản học bổng em dùng vào việc trang trải cuộc sống và đầu tư học thêm tiếng Anh”.

Đang bước vào thời gian ôn thi hết học kỳ khá bận rộn nhưng Hải cho biết em rất háo hức và cố gắng hoàn thành việc thi cử thật tốt để chuẩn bị về ăn tết cùng gia đình. “Cái Tết nào đối với em cũng có nhiều kỷ niệm vì đó là khoảng thời gian em được sum vầy với gia đình yêu thương của mình. Tết cũng là một mốc thời gian đánh dấu sự trưởng thành hơn của em sau một năm. Tết năm nay chắc chắn đặc biệt hơn vì đó là cái Tết đầu tiên sau một thời gian khá dài sống xa nhà. Cái Tết của một sinh viên thực thụ” - Hải cười rạng rỡ.

Thủ khoa Học viện Tài chính: Sẵn sàng đi bán trà đá

“Em muốn đi làm thêm để rèn thói quen nói trước đám đông, dù là làm thêm ở quán trà đá cũng được, chỉ cần ở đó em học hỏi được kinh nghiệm, không quan trọng người ta nghĩ gì!”. Đó là tâm sự của thủ khoa đầu vào Học viện Tài chính Nguyễn Vũ Duy Hiếu.

img
Nguyễn Vũ Duy Hiếu.

Hiếu được bạn bè gọi bằng biệt danh “thủ khoa lãng tử” vì em không chỉ học giỏi, mà còn đàn, hát rất hay. Ít người biết Hiếu đã theo học Học viện Âm nhạc từ nhiều năm trước. Gặp lại Hiếu sau kỳ học đầu tiên “nếm mùi” sinh viên, thủ khoa đẹp trai và đa tài này vẫn giữ nguyên sự trong sáng và đức tính khiêm tốn của một học sinh nghèo trưởng thành từ phố huyện.

Hiếu cũng cho biết, vì đầu vào là thủ khoa lại có năng khiếu về âm nhạc nên mọi người cũng để ý hơn đến Hiếu, do vậy càng phải học thật tốt để xứng với danh hiệu thủ khoa. “Trong tương lai, em vẫn sẽ theo đuổi âm nhạc nhưng chỉ là để thoả mãn sở thích thôi” - Hiếu chia sẻ.

Hiếu cũng cho biết, dự định trong năm mới, cùng với việc hoàn thành khoá học lập trình web hoặc quản trị mạng quốc tế và đi làm thêm để có thêm những kinh nghiệm về cuộc sống, em sẽ đi làm thêm. “Có thể là làm thêm ở một quán trà đá vỉa hè. Em muốn tìm hiểu xem có thật là người ta kiếm được 20 triệu đồng/tháng hay không” - Hiếu nói.

Thủ khoa Trường ĐH Nông nghiệp: Sang Nhật để học nghề nông

Dù sinh ra trong một gia đình trí thức ở thủ đô, nhưng nữ thủ khoa (cả 2 khối A và B) Chử Bích Phương lại có mơ ước gắn bó với nông nghiệp và chuẩn bị sang Nhật để học nghề nông.

img
Chử Bích Phương (đứng bên trái) và gia đình.

Gặp chúng tôi vào một ngày cuối của năm 2011, Phương cho biết, đã hoàn thành xong các thủ tục để đi du học: “Việc đi Nhật Bản học là mơ ước của em từ lâu rồi nhưng thực tế cũng chỉ là đi học, chẳng có gì phải liên hoan hay làm to tát cho khổ bố mẹ. Bố mẹ em đã có quá nhiều việc phải lo rồi, em chỉ muốn học cho thật tốt để trước mắt đỡ tiền học phí và sau này có kiến thức, đi làm sẽ giúp được bố mẹ một phần” - Phương tâm sự.

Trước đó, Phương đã thi đỗ 2 Trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Ngoại thương, sau đó Phương theo học ĐH Ngoại thương nhưng từ lâu đã mơ ước được gắn bó với nông nghiệp nên em đã quyết định bỏ 2 trường danh tiếng để thi lại năm thứ 2. Khi nghe Phương giải thích, mới thấy cô bé đã tìm hiểu rất nhiều về nông nghiệp nên mới quyết định gắn bó với lĩnh vực này: “Em nghĩ, nếu được học công nghệ sinh học ở một nước mặc dù đất đai và khi hậu không thuận lợi nhưng nông nghiệp lại rất phát triển như Nhật Bản sẽ là cơ hội tốt cho bản thân em”.

Phương cũng cho biết, qua tìm hiểu trên sách báo và kiến thức được học, em hiểu rõ dù nước ta đứng ở top đầu thế giới về xuất khẩu gạo và rất nhiều sản phẩm nông sản khác, nhưng giá trị lại không cao, người nông dân vất vả nhưng giá trị thu được từ sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất thấp, cuộc sống vẫn còn nghèo. Vì thế, nếu kiến thức học được ở Nhật của em sau này có điều kiện làm được một điều gì đó cho nền nông nghiệp nước nhà thì thật là một điều tuyệt vời.