Dân Việt

18 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, vẫn bán vé kiểu xếp hàng thủ công

An Thanh 15/11/2018 17:10 GMT+7
“Tôi cảm thấy ghen tị khi CĐV Việt Nam có nhiều đam mê hơn Thái Lan. Nhưng rõ ràng là cách quản lý, phân phối vé của VFF đang gặp vấn đề”, phóng viên Bee Uamklat của tờ Fourfourtwo nói. Bên Thái Lan, việc bán vé AFF Cup 2018 đơn giản hơn rất nhiều.

Có lần, tôi đặt câu hỏi với một quan chức về hưu: “Trong cuộc đời làm quan của bác, bác sợ nhất điều gì?”. Không cần suy nghĩ nhiều, ông thành thật: “Sợ nhất là công khai, minh bạch”. Đôi khi, để tránh gặp phải điều đó, ông đành phải tìm cách phức tạp hóa vấn đề.

img

gười hâm mộ rồng rắn, chen chúc xếp hàng chờ mua vé trận Việt Nam - Malaysia.

Tôi nhớ lại câu chuyện mới xảy ra sáng Chủ Nhật vừa qua. Từ nửa đêm của ngày được gọi là “Ngày độc thân”, hàng trăm cổ động viên đã đội nắng, đội mưa quanh sân Mỹ Đình đi xếp hàng mua vé xem bóng đá trận đội tuyển Việt Nam gặp Malaysia trong khuôn khổ AFF Cup 2018. Người ta vật vờ trong cái lạnh đầu mùa để cố kiếm cho được tấm vé xem với cái giá không hề rẻ so với khu vực, từ 150, 200, 300, 400 nghìn đồng/chiếc.

Cái lạ đầu tiên là Sân vận động quốc gia Mỹ Đình có 40.000 chỗ ngồi, nhưng VFF chỉ bán 26.000 vé, còn 14.000 vé để… đối ngoại. Việc bán 26.000 vé cũng lắm nhiêu khê, 60% sẽ bán qua con đường công văn, mỗi đơn vị khoảng từ 8-10 vé, muốn nhiều hơn chắc phải là đối tác truyền thống. Khoảng 3.000 vé bán trực tuyến trên website, số còn lại bán trực tiếp thủ công bằng cách xếp hàng.

Nói như dân phe vé, “trăm sông đều chảy về biển”, kiểu gì rồi cũng đến mấy cò vé trước cửa sân Mỹ Đình. Mua được tấm vé đúng giá không dễ chút nào. Ngoài việc phải có mặt từ lúc nửa đêm dù 8 giờ sáng mai mới bắt đầu bán vé, tất nhiên là phải móc tiền gửi xe máy 30.000 đồng/xe, đói thì phải làm ổ bánh mì với dăm miếng thịt mỏng dính 20.000 đồng, khát nước phải mua một chai nước lọc với giá 15.000 đồng.

Nếu không có cái bịt tai sẽ phải nghe âm thanh chửi rủi, thậm chí la hét, tay phải ghì chặt hàng rào nếu không muốn bị xô bật ra. Cũng phải cảnh giác với chiếc điện thoại và ví tiền bởi biển người như thế, không biết ai là kẻ gian. Xung quanh là đội quân phe vé và những người được họ thuê xếp hàng, bởi mỗi người chỉ được mua 1 cặp vé.

Đến giờ chả ai có thể biết bao nhiêu tấm vé đi thẳng từ VFF đến tay người hâm mộ. Chỉ biết vé chợ đen được các đối tượng bán với giá gấp 5-6 lần giá trị gốc, một cặp vé khán đài A, B giá gốc 800.000 đồng có thể lên đến 3 triệu đồng. Giấy mời cũng được đem rao bán 3,5 triệu đồng/cặp. Trên các mạng xã hội ngập tràn lời rao bán, giao vé miễn phí tại nhà.

img

Người dân vạ vật chiếm chỗ từ đêm mong mua được cặp vé.

Chứng kiến cảnh CĐV Việt Nam phải chen lấn, vật vã mua vé xem thi đấu vòng bảng, phóng viên Bee Uamklat của Thái Lan cho rằng: “CĐV Việt Nam có sức chịu đựng và tình yêu quá mãnh liệt, họ có thể xếp hàng qua đêm. Còn CĐV Thái Lan thì chỉ tạo nên cơn sốt từ những trận đấu lớn, không nhẫn nại như vậy”.

Nhưng điều mà phóng viên của Fourfourtwo lạ nhất là tại sao VFF lại chọn phương án bán vé thủ công. Nhất là ông thấy đến 13 giờ chiều, nhân viên bán vé đói quá, tìm cách lên ô tô chạy trốn cửa sau bị người hâm mộ quây cứng lại. Khổ cả người bán lẫn người rồng rắn xếp hàng mua vé.

Bên Thái, toàn bộ số vé tại AFF Cup 2018 được Liên đoàn bóng đá Thái Lan bán trực tuyến qua mạng. Việc mua vé vì thế cực kỳ đơn giản, không phải thức đêm xếp hàng rồng rắn làm gì. Với những trận cầu đinh tại Thái Lan, giá vé chợ đen bên ngoài thị trường chỉ cao gấp 2 lần giá vé gốc là tối đa. Người hâm mộ Thái Lan bình thản chọn xem qua tivi hoặc điện thoại di động nếu không mua được vé.

Hóa ra có những việc rất đơn giản mà chúng ta lại cứ làm phức tạp, gây lãng phí và tốn kém cho xã hội. Cái mà người Thái làm được, không phải VFF không nghĩ ra, không làm được. Nhưng vì sao 18 năm làm bóng đá chuyên nghiệp rồi mà các quan chức bóng đá Việt Nam vẫn tư duy thế thì chịu.