Tuyên bố Quốc tế chung về Ứng dụng Công nghệ Sinh học Chính xác (Precision Biotechnology) trong nông nghiệp hiện đang được ủng hộ bởi 14 quốc gia và tổ chức quốc tế. Tuyên bố này được công bố tại Uỷ Ban về Ứng dụng các Biện pháp Kiểm Dịch Động Thực Vật (SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), qua đó cho thấy sự tán thành của các quốc gia đối với công nghệ sinh học chính xác và công nghệ chỉnh sửa gen. Việt Nam là một trong các quốc gia ủng hộ Tuyên bố này.
Tuyên bố Quốc tế chung về Ứng dụng Công nghệ Sinh học Chính xác (Precision Biotechnology) trong nông nghiệp hiện đang được ủng hộ bởi 14 quốc gia và tổ chức quốc tế. Ảnh IT
Một trong các điểm nổi bật của Tuyên bố chung đó là sự đồng thuận của các Chính phủ trong việc cam kết sẽ hướng tới xây dựng hệ thống quản lý dựa trên nền tảng khoa học, nguyên tắc đánh giá rủi ro và hài hoà các quy định quốc tế cũng như sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để giảm thiểu các gián đoạn thương mại. Hiệp hội CropLife Quốc tế hoan ngênh bước tiến này đồng thời kêu gọi và khuyến khích sự ủng hộ từ các Chính phủ khác đối với Tuyên bố nhằm thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học trong nông nghiệp.
"Ngành khoa học thực vật tán dương các Chính phủ, trong đó có cả các nước phát triển và các quốc gia đang phát triển, đã ủng hộ Tuyên bố Quốc tế về Ứng dụng Công nghệ Sinh học Chính xác trong Nông nghiệp, cũng như cam kết xây dựng khung quy định pháp lý khoa học và khuyến khích ứng dụng đổi mới trong nông nghiệp" ngài Howard Minigh, Chủ tịch đồng thời là CEO của CropLife phát biểu. "Cách tiếp cận hài hoà trên phạm vi toàn cầu đối với Công nghệ Sinh học Chính xác sẽ đảm bảo giới thiệu một cách kịp thời và có lộ trình các sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững tới thị trường cùng lúc giảm thiểu tới mức thấp nhất các gián đoạn thương mại."
Công nghệ sinh học chính xác, bao gồm chỉnh sửa gen, là một công cụ cho phép các chuyên gia chọn tạo giống cây trồng có thể giải quyết tốt hơn những thách thức toàn cầu như an ninh lương thực và dinh dưỡng, giúp nông dân thích ứng và giảm bớt tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ môi trường, tài nguyên thiện nhiên cũng như bảo tồn đa dạng sinh học.
"Chúng tôi ủng hộ 14 Chính phủ và các tổ chức tham gia Tuyên bố và kêu gọi thực thi các cam kết để đảm bảo nông dân được tiếp cận nhanh nhất với các thành tựu khoa học ứng dụng trong nông nghiệp” - Ngài Minigh chia sẻ thêm. "Ngày nay, người nông dân trên toàn cầu cần được tiếp cận thêm các công cụ và giải pháp lai tạo giống tiên tiến để sản xuất bền vững, góp phần vào việc cung cấp lương thực đủ để nuôi sống dân số đang ngày càng tăng nhanh trên toàn cầu.”
Các quốc gia và tổ chức ủng hộ Tuyên bố tới thời điểm này bao gồm: Argentina - quốc gia dẫn đầu nỗ lực này, cùng với Australia, Brazil, Canada, Colombia, Cộng hoà Dominica, Guatemala, Honduras, Jordan, Paraguay, Hoa Kỳ, Uruguay, Việt Nam và Ban thư ký Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi.