Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội (đại biểu đoàn Bến Tre). Ảnh: Q.V
Thưa ông, từ trước tới nay chúng ta đã có nhiều quy định quản lý đảng viên, cán bộ cao cấp, nhưng mới đây Hội nghị Trung ương 8 đã tiếp tục ra quy định về nêu gương, ông có bình luận gì về điều này?
- Từ trước tới nay chúng ta đã "tráng" một tấm gương rất lớn, trong điều lệ của Đảng đã có 1 quy định rất rõ, đó là người đảng viên, dù là nhỏ nhất, không có chức danh lãnh đạo vẫn phải nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, thể hiện mình là con người ưu tú trong quần chúng nhân dân. Hiện chúng ta có 4 triệu đảng viên, trong khi nhân dân hơn 90 triệu người, thì chúng ta phải thấy rằng những người ấy phải thực sự là tinh hoa theo nghĩa người tốt, chứ không phải cao siêu, thần thánh.
Trước đây chúng ta “tráng” một mặt gương để phản chiếu cái tốt của con người này đối với xã hội. Từ gương tốt này dẫn đến nhiều gương tốt khác để xã hội chúng ta là một nhà gương, giúp xã hội tốt hơn lên.
Nhưng lần này, các tấm gương mở rộng hơn, bởi lâu nay chúng ta chỉ nói về gương tốt mà không nói gương xấu, hay nói cách khác “triển lãm” chỉ nói về thành tựu, cái tốt, cái được mà không nói về cái thất bại, có nghĩa là phiến diện. Cho nên đợt này, Bộ Chính trị quyết định “tráng” thêm một mặt gương thứ 2, gọi là gương “chiếu yêu”, để cán bộ đảng viên soi vào.
Với tấm gương này, quần chúng sẽ thấy ngay đây là tấm gương tốt, hay tấm gương xấu. Anh ra ngoài có thể tạo được vỏ bọc, nhưng anh có thể tự soi để biết mình là ai. Mặt gương thứ 2 này rất quan trọng, để anh tự nhận diện mình đã diễn biến chưa, có thực sự là một con người tiền phong gương mẫu hay lộ ra là người đội lốt, dối đảng lừa dân.
Là cán bộ đảng viên anh phải có bản lĩnh, tự “moi gan mổ bụng”, nếu vi phạm mà không có liêm sỉ, không thể tự xử, vẫn cứ bám riết lấy, thì lúc đó Đảng, pháp luật phải sử dụng tới con dao, lưỡi kiếm thần thánh của mình để xử lý những con người có hành vi vi phạm điều lệ Đảng và pháp luật của nhà nước.
Như ông vừa nói, các tấm gương trước đây đang bị mờ đi, mà thực tế là trong thời gian vừa qua, nhiều cán bộ cao cấp, thậm chí từng là uỷ viên Bộ Chính trị vướng vào lao lý, vậy thời điểm này, chúng ta tập trung trước mắt vào việc nêu gương như thế này đã phù hợp hay chưa?
- Tôi cho rằng quy định này ra lúc nào cũng đúng và có giá trị quan trọng, nhưng vào thời điểm này cấp bách hơn sau khi chúng ta có một loạt các nghị quyết của Trung ương về các mặt công tác, trong đó có công tác cán bộ.
Nhất là sau khi Quốc hội ban hành một loạt nghị quyết giám sát tối cao về vấn đề tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong đó nêu lên thực trạng một phận bộ máy nhà nước chúng ta thoái hoá biến chất, không có tinh thần phục vụ Đảng, nhà nước và nhân dân, chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp, thậm chí không chỉ tham nhũng tài sản, mà còn tham nhũng chức vụ, tham nhũng tâm linh.
Như vậy, lúc này là thời điểm rất cấp bách. Thực ra người ta chỉ cần tráng mặt gương tốt, nhưng bây giờ cực chẳng đã người ta phải tráng 2 mặt gương, qua đó cho thấy Đảng muốn có sự phân hoá rất rõ ràng. Đảng tạo điều kiện cho anh tự phân hoá, hiểu được vô ngã, bản ngã, siêu ngã để trở thành 1 con người chân chính.
Việc đề cao đạo đức cách mạng, tính liêm sỉ, liêm chính của cán bộ, đảng viên lúc này là vô cùng cấp bách, đánh dấu bước ngoặt mang tính chất nhân văn nhưng đồng thời cũng thể hiện rõ thái độ quyết liệt của Đảng. Đó là làm trong sạch đội ngũ đảng viên, cán bộ, đặc biệt là những người giữ chức vụ cao, quan trọng trong bộ máy nhà nước. Bởi đó là những tấm gương rất lớn khác hoàn toàn so với đảng viên thường, có chức vụ thấp.
Thưa ông, chuyện nêu gương luôn cần thiết ở bất kì giai đoạn nào và trong đó cũng có nhắc tới văn hoá từ chức, tự phê bình, tự nhận trách nhiệm... Vậy theo ông, quy định nêu gương đã đủ mạnh để những người cán bộ cấp cao sẵn sàng từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ, hay chỉ là hô hào?
Tranh minh họa: Ngọc Diệp. Nguồn: dantri
- Quy định, xét cho cùng đó là một sự trì hoãn. Thực tế không cần có quy định, vẫn có thể từ chức.
Trong thực tiễn đã có nhiều đồng chí từ chức. Loại thứ nhất, ví dụ có người thấy rằng bây giờ tôi muốn dành thời gian cho công việc khác, tôi xin từ chức. Loại từ chức thứ 2, là vì tôi còn ít thời gian, muốn dành cơ hội cho người khác phát huy; loại thứ 3 tự thấy năng lực không đủ nên xin từ chức. Tự từ nhiệm, cũng là một dạng từ chức.
Tôi cho rằng chúng ta không cần có quy định về từ chức, bởi nó liên quan đến tính liêm sỉ của con người. Giả sử có đồng chí nào viết đơn xin từ chức, có ai không xét không?
Theo tôi, lúc không có văn bản hay quy định, vẫn từ chức được nếu con người đó thực sự có liêm sỉ. Chúng ta nói từ chức là một thứ văn hoá, văn hoá này không cần phải chờ có pháp luật quy định mà tự nó lan toả, đúc kết cả từ hàng nghìn năm. Nếu văn hoá mà chỉ quy định bằng 1 vài văn bản khô khan thì tôi cho là không cần thiết.
Vậy chúng ta có biện pháp nào để giám sát việc thực hiện quy định nêu gương một cách khách quan?
Tôi nghĩ rằng khi Đảng đã ra quy định này thì nó phải gắn với các quy định điều lệ Đảng, các quy định về xử lý vi phạm điều lệ Đảng. Nếu không nêu gương, sẽ bị xử lý thế nào đều có quy định rõ.
Giám sát thực hiện việc này thì cơ quan chủ trì chính là uỷ ban kiểm tra các cấp. Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định giao cho Uỷ ban Kiểm tra T.Ư được quyền kiểm tra đến tận cấp huyện. Trước đây hệ thống cán bộ cấp huyện thuộc thẩm quyền của tỉnh uỷ. Bây giờ kiểm tra xuống tận huyện, có nghĩa là kiểm tra xuống tận cấp uỷ xã, bởi nhiều người là bí thư xã đồng thời là huyện uỷ viên. Như vậy là chúng ta đang thực hiện khá toàn diện công tác kiểm tra.
Bên cạnh đó, tôi xin nhấn mạnh là trong quá trình này chúng ta phải đặc biệt dựa vào dân.
Người dân chính là tai mắt của Đảng, Đảng phục vụ nhân dân nhưng nhân dân chính là sự tồn vong của Đảng. Nếu không có nhân dân, Đảng không tồn tại được. Cho nên chúng ta có Ban Dân vận Trung ương, Ban dân vận các cấp để thực hiện công tác dân vận. Chưa kể rất nhiều công cụ khác nhau từ thể chế Đảng đến thể chế nhà nước, cho đến thiết chế xã hội của mặt trận, các tổ chức xã hội khác…
Đó là những công cụ để giám sát chứ không phải chỉ lấy quy định nêu gương đơn thương độc mã thì sẽ không thể chiến thắng được trong một “chiến trường” mà trong đó có rất nhiều đội quân phản cách mạng, đi ngược đường lối mà chúng ta gọi là “thù trong”.Xin cảm ơn ông!