Dù U23 Việt Nam thi đấu thảm hại ở SEA Games 26 nhưng môn bóng đá vẫn là một món ăn không thể thiếu được với người hâm mộ. Mong không có “đá bóng” ở đây là mong không có tình trạng đá quả bóng trách nhiệm cho nhau mỗi khi nền thể thao nước nhà gặp những vấn đề yếu kém, bê bối. Trong năm 2011, phong trào “đá bóng trách nhiệm” diễn ra rộng khắp làm ra bao chuyện dở khóc, dở cười.
Đầu tiên là việc tăng tiền ăn cho VĐV chuẩn bị cho SEA Games 26 diễn ra quá chậm chạp trong sự bình thản của các bên liên quan. Giá cả leo thang chóng mặt nhưng các VĐV vẫn phải ăn theo biểu giá của năm… 2008. Bộ VHTTDL đổ lỗi cho Bộ Tài chính chậm duyệt chi. Bộ Tài chính lại đổ lỗi cho Bộ VHTTDL chậm chạp và tuân thủ không đầy đủ các thủ tục trong việc trình duyệt. Mọi việc tít mù vòng quanh và các VĐV Việt Nam nhận tin được tăng tiền ăn lúc SEA Games… gần kết thúc.
Giá chuyển nhượng các cầu thủ tăng chóng mặt, các địa phương nghèo không thể giữ nổi cầu thủ giỏi cho mình, hai cái nôi đào tạo trẻ Huế, Nam Định gần như bị xóa sổ khi đội bóng phải xuống hạng Nhì. Về việc này, ông bầu A đổ lỗi cho ông bầu B tự ý nâng giá vô tội vạ vì “anh nâng giá trước nên tôi cũng phải nâng theo”. Ông bầu C hôm trước vừa bức xúc bảo: “Các anh nâng giá vô tội vạ như thế là phá nát nền bóng đá Việt Nam”, nhưng ngay hôm sau lại rước ngay về cầu thủ ngôi sao có giá kỷ lục...
Trọng tài bắt sai, có mùi tiêu cực, VFF đổ lỗi cho hội đồng trọng tài; Hội đồng đổ lỗi cho các CLB đã gặp gỡ, đi đêm làm hỏng các cá nhân trọng tài.. Các CLB lại đổ lỗi cho VFF xử lý trọng tài tiêu cực không nghiêm khiến cho họ buộc phải “đi đêm” vì “CLB của tôi không làm thế thì CLB đối phương cũng vẫn làm thế”… Rối rít tang bồng. Rốt cuộc chả ai sai, chả ai phải nhận lỗi.
Mong một năm mới mất hẳn chuyện “đá bóng” như thế này đi.
Tuấn Lệ