Khoảnh khắc “nữ hoàng”
Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh Nguyễn Thị Thanh Phúc với nụ cười rạng rỡ, giơ cao tay thành biểu tượng chữ V (Victoria - chiến thắng) khi cán đích trên đường đua 20km đi bộ nữ đã được truyền hình quay đi quay lại như một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất của thể thao VN qua các kỳ SEA Games.
VĐV nhảy cao Việt Anh. |
Chạm vạch đích, không hề cảm thấy sự mệt mỏi của Phúc mà thay vào đó là niềm hạnh phúc vô bờ khi hình dung về những nụ cười xuất hiện trên gương mặt hằn nếp nhăn của thời gian, sự khắc khổ của cha mẹ đang ở xã miền núi Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Khỏi phải nói về sự vất vả làm lụng của ông bà để nuôi 7 anh chị em Phúc lớn khôn.
Hôm 13.11.2011, ngôi nhà nhỏ của gia đình Phúc không còn yên ắng như ngày thường mà bà con hàng xóm bỏ cả việc nương rẫy đến uống rượu chia vui. Gạt sang bên những nhọc nhằn của cuộc sống đời thường, người ta ngồi cạnh nhau kể lại những ấn tượng về một con bé nhỏ nhắn, đen nhẻm không ngại nắng mưa, ngày nào cũng đạp xe hàng chục cây số từ nhà lên trung tâm thể thao tập luyện.
Chẳng được đầu tư nhiều với những chuyến xuất ngoại như những người nổi tiếng Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng... Thanh Phúc cứ lặng lẽ tập luyện để rồi mang về tấm HCV đi bộ lịch sử tại SEA Games cho thể thao VN.
Niềm vui của gia đình Phúc còn nhân đôi khi cậu em trai của chị Nguyễn Thành Ngưng cũng đoạt HCĐ 20km đi bộ nam-những tấm huy chương “giải khát” cho điền kinh VN tại SEA Games 2011. Hỏi mơ ước gì trong tương lai, Phúc vui vẻ nói gọn: “Em chỉ ước sao cho gia đình mình bớt khổ hơn!”
Cùng giành HCV SEA Games và được lọt vào danh sách 7 VĐV được đầu tư trọng điểm của điền kinh VN hướng tới việc đoạt chuẩn Olympic 2012, Dương Thị Việt Anh (nhảy cao) cũng là một điểm sáng của tinh thần “con nhà nông vượt khó”. Trên đất Indonesia, Việt Anh dù bị chấn thương cổ chân vẫn chinh phục thành công mức xà 1,90m (chuẩn B Olympic là 1,92m).
Có trong tay 170 triệu đồng tiền thưởng từ nhiều nguồn sau SEA Games, Việt Anh bàng hoàng tưởng mình đang mơ. Xưa nay, cái gia đình nghèo gồm 5 anh chị em, cha mẹ quanh năm làm nông, trồng rau cải... ở quê lúa Bạc Liêu có nổi 1 triệu đồng trong nhà đã khó chứ nói gì đến trăm triệu đồng. Với khoản tiền ấy, cô con gái út Việt Anh đã có thể hiện thực hóa giấc mơ “xây cho ba mẹ một căn nhà đàng hoàng hơn” mà chị đã ấp ủ từ lâu.
Bạc mà quý như Vàng
Chỉ có thể giành HCB SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nhưng Nguyễn Thị Phương đã tạo nên hình ảnh đầy xúc động trong mắt bạn bè quốc tế với nỗ lực cuối cùng chạm đích trước khi ngất xỉu vì kiệt sức. Có lẽ những năm tháng phải làm quen với vai trò trụ cột trong gia đình thuần nông nghèo khó ở xã Yên Thái, huyện Yên Định (Thanh Hóa) do mẹ mất sớm khi Phương còn nhỏ, bố là bệnh binh, đã hun đúc nên ý chí, nghị lực tuyệt vời ấy của chị.
Cùng là phận nữ theo nghiệp thể thao, đô vật nữ 19 tuổi Dương Thị Lan nổi tiếng chịu thương chịu khó ở một đội tuyển thuộc dạng “nghèo nhất” làng thể thao VN. Bố mất sớm, mẹ Lan quyết định ở vậy tần tảo nuôi 2 chị em khôn lớn.
Mỗi khi nghĩ đến cảnh nhà mình ở Phú Bình (Thái Nguyên) chỉ biết trông chờ vào 3-4 sào ruộng để đủ ăn, trong khi nhà người khác có hàng chục sào, Lan càng thương mẹ, cố gắng tập luyện thật tốt để có chút tiền thưởng đỡ đần gia đình. Tấm HCB hạng -59kg nữ SEA Games 2011 sẽ là “đòn bẩy” giúp Lan tự tin hơn hướng tới việc chinh phục những mục tiêu vàng trong tương lai.
Lê Đức