Dân Việt

Cần lắm “dạy nghề theo nhu cầu”

02/01/2012 19:00 GMT+7
(Dân Việt) - Tháng 10.2011, tại xã Bình Thành (huyện Tây Sơn, Bình Định) khai giảng lớp sơ cấp 3 tháng dạy nghề trồng cây cảnh cho nông dân.

Sĩ số lớp học chỉ 35 người, nhưng lúc nào cũng có tới 40- 50 học viên tới lớp, trong đó có cả những “đại gia” kỳ cựu về trồng cây cảnh. Anh Trần Văn Sơn - Lớp trưởng chia sẻ, sở dĩ lớp học đông, hào hứng là vì nghề trồng cây cảnh đang bắt đầu phát triển ở địa phương và người dân đã ý thức việc cần phải học như một nghề thực sự để kiếm sống.

Lớp học đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, vì thế mà người học chuyên cần, lớp học đạt hiệu quả. Đó cũng là mục tiêu mà đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 hướng đến: Dạy đúng nhu cầu.

Tuy nhiên, làm thế nào để xác định “đúng nhu cầu” vẫn là câu hỏi khó trả lời. Thực tế, khi triển khai Quyết định 1956, 100% tỉnh, thành phố trong cả nước đều tổ chức điều tra nhu cầu học nghề của nông dân, nhưng trong cỡ mẫu rất nhỏ (một vài xã, huyện điểm), để phục vụ mục đích xây dựng chiến lược dạy nghề dài hạn trong 5- 10 năm tới.

Một số cán bộ địa phương lo ngại, việc điều tra sơ sài như vậy khó có thể cho ra đời những chiến lược dạy nghề chuẩn và quanh quẩn sẽ quay lại với việc “dạy những gì địa phương có”. Và cũng đúng như lo ngại, khi chỉ một số nghề được dạy rất phổ biến ở các địa phương như mây tre đan, may công nghiệp... và chưa đong đếm được hiệu quả sau đào tạo.

Vấn đề “xác định nhu cầu” này, một lần nữa, được đặt ra là làm thế nào để thực hiện bài bản, theo sát nhu cầu phát triển nhân lực địa phương, phục vụ phát triển kinh tế? Câu hỏi này không thể trả lời bằng những cuộc điều tra chớp nhoáng mà phải thực hiện bài bản.

Từ những năm 2006- 2007, Bộ LĐTBXH đã xây dựng sàn giao dịch thông tin thị trường lao động, mong muốn tích hợp thông tin về việc làm, nhu cầu lao động của các tỉnh thành trong cả nước (thông qua sàn giao dịch việc làm tại các địa phương). Rất tiếc dự án này thực hiện dang dở và cũng chỉ tổ chức ở các thành phố chứ chưa vươn được về tới các vùng nông thôn, chưa “chạm” vào được lao động nông thôn.

Việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã và đang diễn ra trên quy mô rộng trong cả nước. Để “dạy đúng nhu cầu” thì phải xác định đúng nhu cầu học, và việc xác định này không thể chỉ bằng cảm tính mà phải có những căn cứ xác đáng, có những thống kê định lượng và đón đầu xu hướng việc làm ở nông thôn. Có như vậy, những lớp học hiệu quả như ở xã Bình Thành mới được nhân rộng và nông dân thực sự được hưởng lợi từ chính sách rất ưu việt này.