Cả nghìn cánh cò chao nghiêng gọi nhau bay về tổ lúc chiều muộn ở đảo Cò.
Khu rừng tre, trúc đan xen là nơi trú ngụ của cò, vạc và nhiều loài chim hoang dã khác.
Những chú cò trắng với đôi chân mảnh khảnh đang tìm chỗ đậu trên những cành tre mềm mại.
Cò đậu nhiều đến nỗi những cây bạch đàn to không kịp mọc chồi, trông xa xa như những cành hoa điểm đầy bông trắng.
Đây hiện là nơi cư ngụ của hơn 15.000 con cò, 5.000 con vạc với các chủng loại khác nhau như cò trắng, cò lửa, cò hương, cò ruồi, cò diệc, cò bợ, cò đen, vạc xám, vạc xanh, vạc đen…
Với cảnh quan thiên nhiên của vùng ngập nước ven sông Hồng trải rộng trên diện tích 3.000m2, đảo Cò là một dải đất nổi, được phủ kín bởi những rặng tre, xanh mướt mát.
Xưa, đây là vùng đất chiêm trũng nằm ven bờ sông Hồng. Tương truyền, vào khoảng thế kỷ XV, một trận đại hồng thủy đã làm vỡ đê sông Hồng, gây ngập lụt nơi đây. Khi mưa lũ rút đi đã để lại một hồ nước lớn. Sau đó được người dân đặt tên là An Dương với độ sâu hơn 20m.
Theo thời gian, từng đàn cò, vạc và nhiều loài chim nước đã tìm về đây trú ngụ. Đàn chim làm tổ và cư ngụ ở đảo Cò từ tháng 9 cho đến tận tháng 4 năm sau. Trong khoảng thời gian này, cả vùng quê vốn tĩnh lặng sẽ trở lên huyên náo, rộn ràng bởi những “vũ điệu” cò, vạc rợp trời, không ngớt.
Không phải vào tận các sân chim ở miền Tây Nam Bộ mới được chứng kiến những cánh cò bay rợp bầu trời, đến đảo Cò trên lòng hồ An Dương cũng đủ khiến du khách thỏa mắt ngắm nhìn hàng nghìn, hàng vạn con xoáy tròn trên không hay vút bay, kéo theo cả đàn bay sát mặt hồ đẹp như bức tranh thủy mặc vào mỗi buổi chiều.
Khi hoàng hôn buông là khoảng thời gian đẹp nhất bởi trong ánh sáng dát vàng bầu trời, từng đàn cò từ bốn phương ríu rít gọi nhau bay về tổ trông như một bức tranh thủy mặc.
Thức ăn chủ yếu của cò là các loại ốc, cua, ếch, nhái và nhiều loại côn trùng khác nên địa bàn di cư kiếm ăn rất rộng. Người dân trong vùng sống gần gũi với không bao giờ làm hại đến đàn cò nên có thể dễ bắt gặp hình ảnh những cánh cò thản nhiên kiếm ăn trên những cánh đồng.
Thức ăn chủ yếu của cò là các loại ốc, cua, ếch, nhái và nhiều loại côn trùng khác nên địa bàn di cư kiếm ăn rất rộng. Người dân trong vùng sống gần gũi với không bao giờ làm hại đến đàn cò nên có thể dễ bắt gặp hình ảnh những cánh cò thản nhiên kiếm ăn trên những cánh đồng.