Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khởi công từ năm 2015 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), trên diện tích 325 ha, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng.
Đây là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II - có thể đón các máy bay lớn.
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, sân bay quốc tế Vân Đồn được quy hoạch và xây dựng để phục vụ cho các loại máy bay lớn nhất hiện nay và để phục vụ các đường bay tầm trung, tầm xa, đặc biệt là các chặng bay khoảng từ 6-10 tiếng.
Sân bay có công suất 2,5 triệu khách mỗi năm, giờ cao điểm có thể đón 1.250 hành khách. Hệ thống sân đỗ đến năm 2020 đạt tối thiểu bốn vị trí đỗ máy bay; đến năm 2030 mở rộng lên tối thiểu bảy vị trí đỗ máy bay.
Theo lãnh đạo sân bay Vân Đồn, các hạng mục công trình xây lắp đã được thi công xong và các nhà thầu đang lắp đặt thiệt bị chạy thử. Chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục liên quan việc cấp phép để có thể khai thác thương mại từ ngày 25.12.2018.
Ngoài khai thác bay thương mại, sân bay sẽ có thêm một số dịch vụ như dịch vụ hành khách, hàng hóa, kiểm tra an ninh, thuê quầy check in, lên máy bay, dịch vụ phòng VIP, dịch vụ bán lẻ...
Nhà ga có 31 quầy làm thủ tuc, một nửa phục vụ các chuyến bay quốc tế, còn lại phục vụ các chuyến bay nội dịa. Khu vực soi chiếu an ninh với 2 máy soi chiếu đang được vận hành thử.
Sân bay có 4 băng truyền hành lý, có thể phục vụ giờ cao điểm khoảng 1.200 hành khách.
Nhà ga sân bay được thiết kế xu hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, cửa sổ mở rộng để đón ánh sáng tự nhiên.
Ghế ngồi tại phòng chờ lên máy bay.
Hệ thống đèn dẫn đường trên đường băng đã hoàn thiện.
Khu bay với một đường cất hạ cánh dài 3,6 km, rộng 45 m, đảm bảo khai thác máy bay B787, B777, B747-40 và tương đương.
Sân bay Vân Đồn đã tuyển dụng và đào tạo 160 nhân sự, bao gồm cả kiểm soát viên không lưu, lực lượng an ninh, nhân viên mặt đất...
Mặt trước sân bay được lấy ý tưởng thiết kế là cánh thuyền buồm trên vịnh Hạ Long.
Sân bay dự kiến khai thác các đường bay đến và đi từ các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia). Tại thị trường trong nước, chủ đầu tư tập trung vào khu vực miền Trung và miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc.