Trộm mộ là hành vi của những kẻ tiến vào phần mộ người quá cố và xâm phạm di vật của người quá cố. Tại Trung Hoa, trộm mộ đã trở thành một vấn nạn có nguồn gốc lâu đời.
Mộ tặc bắt đầu nổi lên từ thời Xuân Thu, khi hậu táng trở thành một phong trào thịnh hành lúc bấy giờ. Ở vào thời kỳ nhà Hán, hậu táng ngày càng phát triển với những ngôi mộ bề thế, quy mô và nhiều của cải.
Ngay cả khi triều đại này rơi vào cảnh suy tàn, những kẻ trộm mộ thậm chí còn được nước hoành hành. Vậy nhưng ở vào "thời kỳ hoàng kim" của mộ tặc khi ấy lại có 3 ngôi mộ mà không kẻ nào dám xâm phạm.
Đó chính là nơi an nghỉ của ba đại nhân vật nổi tiếng Tam Quốc: Lưu Bị, Quan Vũ và Gia Cát Lượng.
Mộ Lưu Bị: Giai thoại về một... Lưu Bị còn sống?
Tương truyền rằng, có người ở thôn Liên Hoa (Bành Sơn, Tân Tân, Tứ Xuyên, Trung Quốc) từng phát hiện một mộ huyệt, được dân bản xứ gọi là "Hoàng phần sơn". Người dân địa phương tin rằng đây chính là nơi an nghỉ của Hoàng đế nhà Thục Hán – Lưu Bị, còn Huệ lăng trong sử sách chẳng qua chỉ là mộ gió chôn áo mũ mà thôi.
"Hoàng phần sơn" sở hữu vị trí tuyệt hảo về mặt phong thủy. Nơi đây được 9 núi bao bọc, tạo thành thế "cửu biện liên hoa", mà phần mộ kia lại vừa vặn tọa lạc ở vị trí trung tâm. Trước phần mộ còn có 2 giếng nối đối xứng, được ví như đôi mắt của rồng.
Nói đến mộ phần Lưu Bị, người dân nơi đây khó có thể quên được những câu chuyện kỳ lạ từng xuất hiện xung quanh mộ huyệt này.
Năm xưa, khi mộ Lưu Bị được phát hiện, nông dân nơi đây đã ra sức đào bới với hi vọng tìm được cổ vật để đổi đời. Để bảo tồn di tích này, chính phủ đã ra lệnh cấm xâm phạm mộ huyệt.
Tuy nhiên, có một số người bởi vì "lòng tham vô đáy", quyết chẳng chịu trắng tay nên đã tìm cách lấy một ít đá trong lăng mộ mang về để trong nhà. Điều kỳ lạ nằm ở chỗ, những người này sau đó không gặp họa tàn phế thì cũng trở nên điên điên khùng khùng.
Người dân nơi đây tin rằng nguồn gốc của những điều bất thường này xuất phát từ số gạch bị mang ra khỏi mộ Lưu Bị. Nghĩ vậy, họ liền đem số gạch này vứt bỏ. Không lâu sau đó, những người bị điên lại trở về bình thường.
Còn có một giai thoại kỳ lạ khác kể rằng, năm xưa mộ của Lưu Bị từng bị trộm một lần, nhưng lại không có bất kỳ hư tổn nào.
Theo giai thoại này, kẻ trộm ban đêm lẻn vào huyệt mộ thì tận mắt thấy một Lưu Bị đang sống sờ sờ, thậm chí còn đem tặng cho chúng rượu ngon, đai ngọc.
Kẻ trộm mừng rỡ vô cùng, không ngờ rằng sau đó đai ngọc biến thành rắn trắng khiến bọn chúng kinh hồn bạt vía. Cũng kể từ đó, không kẻ nào dám xâm phạm tới mộ của Lưu Bị.
Mộ Quan Vũ: Đời đời không bị xâm phạm vì được kính ngưỡng
Sau khi qua đời, Quan Vũ được hậu táng tại 2 ngôi mộ, phần đầu được chôn tại Lạc Dương, phần thân thì táng tại Đương Dương. Cũng bởi vậy mà dân gian lưu truyền câu nói về Quan Công rằng: "Đầu nằm Lạc Dương, thân nằm Đương Dương, hồn về cố hương".
Lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận không ít trường hợp mộ đế vương, quan viên nổi tiếng bị kẻ trộm ghé thăm, chỉ có rất ít mộ huyệt dù có địa danh cụ thể nhưng vẫn không bị xâm phạm, nơi an nghỉ của Quan Vũ chính là một trong số đó.
Trải qua gần 2 thiên niên kỷ, hai ngôi mộ của Quan Vũ vẫn nghi ngút khói hương, tấp nập người viếng, nhưng lại không có bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm.
Lý do là bởi sau khi qua đời, hình tượng của Quan Vũ dần được thần thánh hóa, được hậu thế tôn làm Quan Công. Các triều đại sau này cũng phong cho ông nhiều tước hiệu khác nhau.
Tới thời nhà Thanh, Quan Vũ được tôn làm "Trung thần nghĩa sĩ vũ linh hữu nhân dũng uy hiển quang thánh đại đế", thậm chí còn được tôn làm Võ Thánh, địa vị sánh ngang với Văn Thánh Khổng Tử.
Quan Vũ được đời đời tôn sùng, người người đều kính trọng sự trung nghĩa và tinh thần thượng võ của ông. Ở nhiều nơi, Quan Công còn được thờ phụng như một vị Thần tài.
Từ dân kinh doanh cho tới giới chính trị và cả những thế lực ngầm đều sùng bái Quan Công. Chính bởi lý do này mà trải qua hơn 1800 năm, hai ngôi mộ của Quan Vũ vẫn không có kẻ nào dám động tới.
Mộ Gia Cát Lượng: Tấm thẻ gỗ tiên tri khiến Lưu Bá Ôn phải bội phục
Nơi an nghỉ của Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng cho tới nay vẫn lưu truyền rất nhiều giai thoại cũng như các giả thiết khác nhau.
Trong đó, giả thuyết được nhiều người tin tưởng nhất cho rằng, trước khi qua đời, Gia Cát Lượng đã để lại di thư dặn dò Lưu Thiện rằng sau khi ông mất, hãy đặt thi thể vào quan tài rồi cho 4 người lính khỏe mạnh khiêng đi một mạch theo hướng nam, tới khi gậy bị gãy, dây bị đứt ở nơi nào thì chôn tại nơi đó.
Vì vậy, Lưu Thiện đã làm như lời dặn, tuyển chọn ra 4 người lính tráng, đặc biệt dặn dò họ phải thực hiện theo đúng di nguyện của Thừa tướng. Bốn người này phụng mệnh Hoàng đế, khiêng quan tài của Gia Cát lượng một mạch đi về hướng Nam.
Họ đi suốt một ngày một đêm không nghỉ, nhưng đi mãi mà gậy vẫn chẳng hề sứt mẻ, dây cũng chẳng có dấu hiệu hư hao. Thấy vậy, bốn người lính này đã nghĩ ra kế sách nhằm qua mặt Hoàng đế, chọn bừa một chỗ để chôn Gia Cát Lượng.
Khi trở về, họ bẩm báo Lưu Thiện rằng đã làm đúng những điều trong di thư của Thừa tướng. Nhận thấy điểm khả nghi, Lưu Thiện liền sai người tra khảo 4 tên lính đó. Không chịu được đòn roi, 4 kẻ này sau cùng cũng đành thừa nhận việc làm của mình.
Bấy giờ, Lưu Thiện vô cùng giận dữ, xét họ vào tội khi quan rồi hạ lệnh xử tử. Nhưng sau khi hành hình 4 người lính ấy, tung tích ngôi mộ của Ngọa Long tiên sinh cũng không còn.
Giả thuyết này khiến không ít người đặt ra nghi vấn: Chẳng lẽ cơ trí như Gia Cát Lượng khi còn sống lại không tính được cơ sự này hay sao?
Có lẽ nào Gia Cát Lượng không biết, dù có đi tới mười ngày, nửa tháng cũng chưa chắc có thể làm gậy gánh quan tài bị gãy, dây buộc bị đứt? Huống chi, điều gì đảm bảo bốn người lính kia sẽ vì một người quá cố mà hy sinh công sức, chịu tốn ải thời gian?
Kỳ thực, rất có thể là Khổng Minh từ sớm đã trù liệu tất cả những điều này nên mới để lại một di thư kỳ quái với mong muốn tìm được một nơi an nghỉ không bị quấy rầy bởi bất kỳ kẻ nào. Chính vì vậy, vị trí ngôi mộ thực sự của Gia Cát Lượng cho tới ngày nay vẫn là một câu đố hóc búa dành cho hậu thế.
Ngày nay, giới khảo cổ đã phát hiện ra không ít ngôi mộ được cho là của Gia Cát Lượng. Nhưng đâu mới thực sự là nơi an táng thi hài của Ngọa Long tiên sinh thì vẫn chưa ai thực sự dám chắc.
Có giai thoại kể lại rằng, trên ngôi mộ của Ngọa Long tiên sinh có mọc một cây ăn trái rất lớn, mà người Trung Quốc từ xưa đến nay đều kiêng kỵ trồng cây trên mộ.
Vì vậy, hậu thế tin rằng cây ăn trái kia là hóa thân của người vợ Hoàng Nguyệt Anh để thể hiện tấm chân tình cho đấng phu quân đã qua đời.
Lại có giai thoại khác truyền rằng, Chu Nguyên Chương năm xưa từng cho Lưu Bá Ôn dẫn người đi đào mộ Khổng Minh để tìm binh thư.
Khi tiến vào mộ huyệt, họ thấy có 7 vạc dầu nối liền với một mồi lửa làm bằng dây gai. Trải qua hàng trăm năm, 6 vạc dầu đã cạn, chỉ còn duy nhất 1 vạc dầu xót lại chút ít.
Lúc đó, Lưu Bá Ôn đột nhiên phát hiện trên tấm gỗ tre ở bên cạnh những vạc dầu này có chữ viết. Bước tới nhìn kỹ, vị "thần cơ diệu toán" ấy không khỏi ngạc nhiên khi thấy trên đó viết rằng: "Tiểu Lưu, tiểu Lưu, mau mau thêm dầu".
Bấy giờ, Lưu Bá Ôn chỉ nói một câu: "Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả" (ý nói cổ nhân và hậu nhân sau này đều không ai sánh bằng Gia Cát Lượng) và từ bỏ ý định đào mộ.