Dân Việt

Sức sống mãnh liệt ở Trường Sa

04/01/2012 07:08 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm lên đảo Phan Vinh - một trong những đảo nổi trong quần đảo bão tố Trường Sa nơi Biển Đông, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt tôi là người lính hải quân trên đỉnh tiền tiêu bồng súng dõi mắt về phía biển.

Những ngày qua, theo tàu HQ936 của Vùng 4 Hải quân ra Trường Sa, đặt chân lên bất kỳ hòn đảo nào, tôi đều không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về các loài cây và hoa trên đảo. Một trong những loài hoa thân mộc đã hấp dẫn tôi thực thụ là cây bàng vuông - biểu tượng cho sức sống mãnh liệt ở Trường Sa.

Sống ở xứ sở hoa Đà Lạt, tôi có nhiều dịp để tìm hiểu các loài hoa thân mộc. Nhưng riêng hoa thân mộc bàng vuông thì Đà Lạt chỉ mới có từ khi những anh lính hải quân mang từ Trường Sa vào trồng cách nay hơn một năm.

img
Con tàu HQ936 đang hướng về Trường Sa.

Bàng vuông một lần nở

Hôm lên đảo Phan Vinh - một trong những đảo nổi trong quần đảo bão tố Trường Sa nơi Biển Đông, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt tôi là người lính hải quân trên đỉnh tiền tiêu bồng súng dõi mắt về phía biển.

Hôm mấy anh hải quân Vùng 4 lên Đà Lạt đặt đá Trường Sa và trồng cây (cách nay hơn một năm), tôi lần đầu tiên được nhìn thấy cây bàng vuông. Nhưng đó là những cây bàng vuông còn non. Đà Lạt vốn là xứ sở của cây trái, hoa quả. Dẫu vậy, xứ sở ấy vẫn dành cho những cây bàng vuông một chỗ đứng trân trọng. "Người ta gọi nó là bàng vuông vì quả bàng có hình vuông!" - đảo trưởng đảo Phan Vinh, trung tá Trần Văn Nhật, nói với tôi như vậy. Và, tôi cũng chỉ biết có thế về loài cây độc đáo này của đảo.

Chưa rõ những cây bàng vuông non đưa từ đảo vào Đà Lạt kia đến khi nào sẽ cho hoa và quả hình vuông, chỉ biết một điều, đất mới Đà Lạt đã trở thành "xứ sở" thứ hai của bàng, quê hương thứ hai của bàng, đất sống thứ hai của bàng… Và, điều quan trọng hơn, có lẽ trong tương lai không xa, "kẻ ngụ cư" bàng vuông sẽ trở thành một trong những chủ nhân của xứ hoa Đà Lạt như nhiều loài hoa nhập cư nghiễm nhiên trở thành chủ nhân xứ hoa ấy.

Ở Đà Lạt, tuy là xứ sở của các loài hoa nhưng kiến thức về hoa bàng vuông của tôi thật kém. Ra đảo, tôi không bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu thêm về loài hoa này. Trung tá Trần Văn Nhật nói tiếp: "Ở Trường Sa, nhất là các đảo nổi, bàng vuông được trồng khá phổ biến. Giữa trùng khơi sóng gió này, bàng vuông là loài cây phù hợp, chịu được nắng gió, chịu đựng được sức tàn phá của nước biển…". Giờ thì tôi đã tận mắt nhìn thấy những cây bàng vuông trưởng thành, những cây bàng vuông đã cho hoa và cho trái. Mùa giáp tết, bàng vuông đã kết trái nhưng vẫn còn hoa.

Ngắm cây bàng vuông trưởng thành mùa này trên đảo với những trái và hoa, trong tôi vẫn không nhòa hình ảnh người lính hải quân trên điểm tiền tiêu bồng súng dõi mắt về phía biển.

Và, đây là điều thú vị lần đầu tiên tôi biết về hoa bàng vuông: Hoa chỉ nở về đêm và chỉ nở một lần! "Nó giống như hoa quỳnh trong đất liền vậy, anh ạ!" -những người lính trên đảo Phan Vinh đã nói với tôi như vậy. Trong đất liền, tôi cũng đã có lần cùng bạn hữu uống rượu chờ quỳnh nở và cả làm thơ. Còn ở đảo, đây là lần đầu tiên tôi ngắm hoa bàng vuông nở. Hoa bàng vuông chỉ một lần nở duy nhất trong đời, lại nở đúng vào giao thời giữa ngày cũ và ngày mới. Lạ hơn, bàng vuông lúc nở rộ giống hệt một chùm hoa lửa dịu dàng tận hiến và "cháy" đến tận cùng. Nó, hoa bàng vuông, đã cháy đến tận cùng, dẫu chỉ là phút chốc…

Và, trên đỉnh tiền tiêu kia, người lính vẫn đang bồng súng dõi mắt về phía biển…

Cây bàng con trên đảo chìm

Đảo chìm mà tôi muốn nói đến là đảo Tiên Nữ. Đảo chìm Tiên Nữ là một trong những đảo khá nổi tiếng trong quần đảo Trường Sa. Về hình thức, đảo chìm Tiên Nữ không khác mấy so với các đảo chìm mà tôi đã đặt chân đến. Nghĩa là cũng giữa mênh mông sóng nước, một khối đá ngầm nổi lên. Trên khối đá ngầm ấy, một ngôi nhà cao chân được xây dựng theo hình lục giác.

img
Cây bàng vuông độc nhất trên đảo Tiên Nữ.

Càng đến gần đảo chìm Tiên Nữ, khối lục giác nổi lên giữa đảo càng giống một pháo đài vững chắc nơi Biển Đông. Trên đảo, hầu như không có một cây xanh nào cắm rễ được xuống nền đất tự nhiên của đảo. Tất cả chỉ là khối đá san hô được gia cố cọc bê tông và phủ nền cũng bằng bê tông nên cây cối không thể mọc được cũng là điều không quá khó hiểu.

Trên đảo nổi Phan Vinh, bàng vuông là giống cây được trồng nhiều và đây cũng chính là một trong những điểm đảo tạo giống cây con bàng vuông để đưa vào trồng trong đất liền. Người ta bảo rằng, nói đến cây bàng vuông là nói đến Trường Sa, nói đến những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Cây bàng vuông được đưa từ Trường Sa vào trồng trong đất liền cũng mang một ý nghĩa rất đặc biệt về vấn đề biển cả, bởi bàng vuông chính là cây đặc trưng của vùng đất yêu thương giữa Biển Đông này.

Tuy nhiên, bàng vuông không thể có mặt trên những hòn đảo chìm mà tôi đã đặt chân đến, ngoại trừ đảo Tiên Nữ. Vì vậy mà sự có mặt của cây bàng vuông duy nhất trên đảo chìm Tiên Nữ cũng độc đáo vô cùng. Cây bàng vuông trên đảo Tiên Nữ được trồng trong một chiếc hộp nhỏ (hình như là một lon đồ hộp loại lớn với đường kính khoảng mười lăm phân) giống như một cây cảnh.

Đại úy chuyên nghiệp Phạm Ngọc Quế, phụ trách cơ yếu của đảo, kể rằng: Hơn một năm trước, sau một cơn bão, những người lính đảo đang làm nhiệm vụ trên đảo Tiên Nữ thấy một trái bàng vuông trôi từ khơi vào bờ nên đã nhặt vào đem ngâm nước ngọt và phơi với mục đích lấy làm hạt giống.

Cứ tưởng quả bàng vuông bị ngâm nước mặn nhiều ngày sẽ khó mọc thành cây giống, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra: Khi thấy hạt đã "nhả" hết nước biển, những người lính đảo liền mang ra ngoài ươm vào một lon đồ hộp, hạt bàng nảy mầm và lớn khá nhanh. Đến lúc này, cây bàng vuông duy nhất trên đảo Tiên Nữ ấy đã cao khoảng 50cm và trở nên quá khổ so với cái vỏ lon đồ hộp.

Hoa bàng vuông chỉ một lần nở duy nhất trong đời, lại nở đúng vào giao thời giữa ngày cũ và ngày mới. Lạ hơn, bàng vuông lúc nở rộ giống hệt một chùm hoa lửa dịu dàng tận hiến

"Nó có sức chịu đựng trước sóng gió của biển nên lớn khá nhanh. Đã đến lúc phải đưa cây bàng ra khỏi cái lon chật hẹp, nhưng bây giờ, quả thật chúng tôi không biết phải mang nó ra trồng ở đâu trên hòn đảo này!" - đại úy Phạm Ngọc Quế tỏ ra lo lắng. Tôi nhớ lại mấy cây bàng được mang từ Trường Sa vào trồng ở xứ sở hoa Đà Lạt hồi năm kia và bỗng chạnh lòng thương cây bàng vuông duy nhất trên đảo Tiên Nữ mà tôi được tận mắt nhìn thấy hôm đặt chân đến đảo này!

Cũng nằm trong quần đảo Trường Sa - quần đảo bão tố, nhưng bàng vuông ở Phan Vinh là một trong những giống hoa thân mộc có vai trò chủ lực trong việc tạo nên màu xanh cho đảo; trong khi đó, ở đảo Tiên Nữ, chỉ duy nhất có một cây bàng vuông "đi lạc" thôi nhưng những người lính ở đây muốn tìm đất sống cho nó lại không dễ dàng chút nào. Hiểu điều đó để yêu quý hơn những cây bàng vuông từ Trường Sa mang vào trồng ở đất liền như hiện thân của một phần máu thịt nơi biên đảo.