Dân Việt

Giáo viên thời hiện đại: Không dễ để yêu nghề!

Việt Phương - Tạ Nguyệt 20/11/2018 07:00 GMT+7
Theo một nghiên cứu mới đây của TS Phạm Thị Kim Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), có tới 50% sinh viên sư phạm sau khi thực tập tại trường THPT muốn đổi nghề nếu có cơ hội...

“Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông”…

Nghề giáo viên là một nghề vô cùng cao quý trong quan niệm của người Việt Nam từ bao đời nay. Thầy cô giáo được ví như “người chèo thuyền”, đưa các em học sinh thân yêu tới trường không chỉ học kiến thức mà còn học cả làm người.

img

Vượt qua không ít khó khăn của công việc và cuộc sống, nhiều giáo viên đang rất thành công trong sự nghiệp “trồng người” (ảnh minh họa).  Ảnh: V.P

"Không ít thầy cô đã “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông” để chuyển sang lĩnh vực khác bởi niềm vui nghề giáo không kéo lại được nỗi lo cơm áo và áp lực nghề nghiệp”.

TS Phạm Thị Kim Anh -
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Tuy nghề cao quý và quan trọng là vậy, nhưng không thể phủ nhận rằng các giáo viên hiện nay đang phải đương đầu với nhiều áp lực trong cuộc sống. Theo nghiên cứu của một tổ chức tại Mỹ, nghề giáo viên đứng cùng với nghề phi công, chữa cháy, y tế… là 1 trong 8 nghề chịu áp lực lớn nhất.

TS Nguyễn Thị Quế Anh – giảng viên Học viện Chính trị khu vực I cho rằng: Đánh giá một cách công tâm thì nghề giáo viên thời nay chứa đựng quá nhiều nguy hiểm. Không có bất cứ nghề nào như nghề giáo khi mà giáo viên mỗi ngày đến lớp lại mang theo một tâm trạng lo sợ. Chịu áp lực từ nhiều phía như phụ huynh, gia đình và xã hội trong khi vẫn phải đảm nhiệm công tác giáo dục học sinh. Được ủy thác trách nhiệm nhưng không nhận được sự tin tưởng trọn vẹn từ phía gia đình khiến cho các thầy cô giáo luôn có tâm trạng dè chừng trong công tác.

Nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra với con em họ (bị đánh, phạt), giáo viên sẽ bị chỉ trích, lên án, thậm chí bị đánh hay “ném đá” dữ dội từ gia đình, xã hội. Thậm chí, học sinh đánh nhau ngoài trường cũng lại đổ lỗi cho giáo viên không biết dạy dỗ, uốn nắn, trong khi các em chỉ có khoảng 4-6 tiếng tại nhà trường, còn lại là về gia đình, ra ngoài xã hội. Không ít giáo viên bị kỷ luật hoặc thôi việc cũng bởi những tình huống tương tự như trên.

Trong khi đó, theo TS Quế Anh mức thu nhập của giáo viên lại quá… bèo. Một sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học có mức lương trung bình khoảng 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân theo lương và phụ cấp là 3-3,5 triệu đồng/tháng. Giáo viên có thâm niên công tác từ 13 năm trở lên, lương và phụ cấp khoảng 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Tính trung bình, lương thầy cô không đến 70 triệu đồng/năm. Đồng lương không nuôi sống bản thân nhưng giáo viên không được tổ chức dạy thêm để tăng thu nhập.

Tại hội thảo về "Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên Việt Nam hiện nay" tổ chức mới đây, TS Phạm Thị Kim Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng sự quá tải trong lao động nghề nghiệp và cung cách quản lý tạo ra nhiều sức ép, cộng với bệnh thành tích như một “trường đua” khiến nhiều giáo viên vô cùng mệt mỏi.

Chỉ cần học sinh còn yêu mến…

Mặc dù công việc nhiều áp lực và thu nhập chưa cao, nhưng không vì thế mà nhiều giáo viên mất đi tình yêu với nghề. Họ luôn tìm cách để gắn bó với học trò, chia sẻ với đồng nghiệp còn khó khăn hơn với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo – giáo viên lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ: “Trong 12 năm theo nghề, khó khăn nào mình cũng đã trải qua. Nhưng, chỉ cần học sinh còn yêu mến thì mọi khó khăn sẽ trôi qua hết”. Cô giáo Huyền Thảo được các học sinh Trường chuyên Trần Đại Nghĩa yêu mến vì có cách dạy học gần gũi, truyền đạt kiến thức nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng không kém phần hấp dẫn.

Thầy giáo Đào Tuấn Đạt - Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) lại có một cách đáng yêu để tăng tình yêu nghề, gắn kết phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh, với thông điệp gây sốc: "Hãy tặng chúng tôi nhiều "phong bì" nhân ngày 20.11!".

Và theo thầy Đạt, toàn bộ số tiền để mua hoa, quà tặng để tri ân các thầy giáo nhân ngày 20.11 sẽ được trường dùng để gửi tới các thầy cô, học trò còn khó khăn ở vùng cao tỉnh Thanh Hóa.

Thầy Đạt cho biết: “Món quà không lớn, nhưng là một chút tình ấm áp của chúng tôi gửi tới các đồng nghiệp và các em học sinh ở Pù Nhi nhân Ngày nhà giáo Việt Nam. Sự sẻ chia không lớn, nhưng là chút động viên tinh thần nho nhỏ trước bao khó khăn mà các thầy cô và các em học sinh trải qua hàng ngày ở nơi miền núi xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, tiếp giáp Lào”.

Như vậy, không chỉ tìm cách “giữ lửa” yêu nghề, thầy Đạt còn tìm cách truyền đi ngọn lửa nhiệt huyết đó tới các em học sinh, các đồng nghiệp còn chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, không khó để lý giải vì sao các thầy cô lại có suy nghĩ muốn từ bỏ công việc giảng dạy. “Chưa bao giờ giáo viên lại bị đối xử không được thoả đáng tới vậy. Chỉ thời gian ngắn, có tới 200 giáo viên bị cắt bỏ hợp đồng tại một huyện. Thêm vào đó, tiền lương không đủ sống, trong khi nghề giáo thì vất vả mà học sinh ngày càng phức tạp. Điều này khiến cho người làm nghề giáo cần phải sáng tạo, tâm huyết thực sự thì mới thành công vafà theo nghề được” – TS Tùng Lâm phân tích.

Từ những áp lực trên, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Giáo viên, nhà giáo cần chủ động vượt qua áp lực nghề nghiệp, không còn cách nào khác phải giúp họ vượt qua chính mình, dám đương đầu với nghịch cảnh, tìm niềm vui, hạnh phúc trong quá trình sáng tạo nghề nghiệp... Bên cạnh đó, các nhà trường, nhà giáo cần chú trọng phát huy nội lực, tìm niềm vui, hạnh phúc trong sáng tạo nghề nghiệp. Điều quan trọng nữa là giáo dục cần sự quan tâm của cả xã hội. Bởi lẽ giáo dục đâu chỉ là câu chuyện của nhà trường…

Hãy có cái nhìn cởi mở

Nếu chỉ nói tới khó khăn khi làm nghề, thì giáo viên chúng tôi có thể dành 1 ngày cũng không thể hết được chuyện. Thế nhưng nếu dành 1 ngày đó để kể về tình yêu với nghề, những niềm vui thường nhật thì chắc chắn bức tranh về ngành giáo dục sẽ tươi mới, sáng sủa hơn. Chúng ta thường nhìn vào những điều tiêu cực, xấu xa mà quên đi vẫn đang có hàng vạn giáo viên nỗ lực mỗi ngày để có thể mang lại những bài giảng chất lượng cho học sinh.
Ngày 20.11, tôi chỉ mong rằng xã hội, phụ huynh sẽ có cái nhìn thật cởi mở đối với ngành giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng. Khi niềm tin được gửi gắm, thì dù có khó khăn bao nhiêu, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng vượt qua”.

Cô Bùi Thu Hương - Trường Tiểu học T.S (TP.Thanh Hóa)

“Quả ngọt” là nụ cười của học sinh

Thật sự nghề giáo có những khó khăn phía sau chứ không hẳn chỉ những phút thăng hoa trên bục giảng. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó, vẫn có những “quả ngọt” đó chính là nụ cười của các em học sinh, là niềm tin của các phụ huynh. Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi có đôi lời gửi gắm tới đồng nghiệp và các bạn sinh viên sư phạm: Hãy dùng tâm của mình đến với các em và đến với môn học của mình thì dù là môn gì hay làm gì, học sinh cũng sẽ đều thấu cảm và yêu mình.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo –  Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM)

Hà My (ghi)