Dân Việt

Các trường ĐH khó xoay xở đủ... giảng viên

04/01/2012 07:22 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ GDĐT đã đình chỉ tuyển sinh 3 trường ĐH, CĐ và 12 ngành của 4 trường khác do thiếu quá nhiều giảng viên cơ hữu. Động thái của Bộ khiến không ít trường lo khó tuyển đủ giảng viên trước mùa tuyển sinh 2012.

Giảng viên vừa thiếu, vừa yếu

Theo quy định cứng về số lượng sinh viên/giảng viên (SV/GV) tối đa của Bộ GDĐT là 25 SV/GV, hầu hết các trường đều vượt quá con số này. Cụ thể, Trường ĐH Văn Hiến có số lượng sinh viên là 4.947, nhưng chỉ có 52 giảng viên (tỷ lệ SV/GV là 95,1); Trường ĐH Đông Đô có 4.276 sinh viên nhưng chỉ có 77 giảng viên (tỷ lệ SV/GV là 55,5); Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM số lượng sinh viên là 6.420 nhưng chỉ có 76 giảng viên (tỷ lệ SV/GV là 84,5); ĐH Công nghiệp Hà Nội: 66,2 SV/GV, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng: 54,3 SV/GV.

img
Nộp hồ sơ nguyện vọng 3 tại TP.HCM.

Số lượng giảng viên đã thiếu, trình độ giảng viên (tiến sĩ, thạc sĩ) của các trường còn "thê thảm" hơn. Theo quy định của Bộ GDĐT, khi mở ngành phải có ít nhất 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ, tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy có tới 43 ngành học của 16/24 trường không có tiến sĩ, 12 ngành không có cả tiến sĩ lẫn thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu(!?).

Thực trạng này không chỉ tồn tại ở các trường đã bị Bộ GDĐT “sờ gáy” mà rất nhiều trường ĐH, CĐ kể cả khối dân lập và công lập đều trong tình trạng “khan hiếm” giảng viên, đặc biệt giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga: “Điều này không những ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của những trường mới thành lập, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của những trường đã có truyền thống do giáo viên phải đi dạy thỉnh giảng nhiều, không còn thời gian nghiên cứu khoa học, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giảng dạy tại các trường ĐH”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về lý do không có giảng viên đạt trình độ thì nhiều trường “ngây ngô” trả lời là do “…lúc mở ngành thì có giảng viên là tiến sĩ, nhưng sau đó đã chuyển trường khác, có trường còn đưa ra lý do là do tiến sĩ thuộc ngành đó mới bị… đột tử, trường chưa ngay lập tức tuyển mới được(?)” - ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho biết.

Khó có thể đạt chuẩn

Động thái quyết liệt của Bộ GDĐT lần này khiến nhiều trường ĐH, CĐ sốt sắng quay sang lo tuyển đủ giảng viên trước mùa tuyển sinh đã cận kề. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa (ngày 31.1), các trường phải công bố chỉ tiêu tuyển sinh (dựa trên căn cứ giảng viên/ sinh viên) về Bộ thì việc tuyển đủ giảng viên đúng chỉ tiêu còn khó hơn… lên trời.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: “Những quy định về việc đảm bảo chất lượng đào tạo như SV/GV diện tích sàn/ sinh viên lâu nay các trường thực hiện chưa nghiêm. Đợt kiểm tra này là nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong giáo dục ĐH, chấn chỉnh những lệch lạc, đưa hoạt động của các trường vào nền nếp”.

Theo ông Nguyễn Tấn Vui – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên: “Từ trước đến nay quy mô giảng viên vốn đã không theo kịp quy mô sinh viên nên nếu đảm bảo đúng yêu cầu của Bộ về diện tích sàn xây dựng/sinh viên và tỷ lệ sinh viên/giảng viên thì năm nay hầu hết các trường ĐH trong cả nước sẽ phải… ngừng tuyển sinh”.

Cũng theo ông Vui, năm nay Trường ĐH Tây Nguyên đã tuyển thêm gần 100 giảng viên, nhiều hơn so với các năm, tuy nhiên việc tuyển giảng viên không thể tiến hành ồ ạt, gây ảnh hưởng đến chất lượng.

Khó tuyển giảng viên, nhiều trường đã chọn cách giảm hoặc giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh để tránh… quá tải. Theo ông Huỳnh Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh: “Trường sẽ giữ chỉ tiêu 5.000 như trước. Nếu có phát sinh thêm ngành mới thì chỉ thêm chỉ tiêu cho ngành chứ không tăng chỉ tiêu chung, vì tăng nữa sẽ quá tải, không đáp ứng được số lượng giảng viên”.

Tương tự, nhiều trường cũng dự kiến giảm chỉ tiêu tuyển sinh như: ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định); ĐH Thành Tây, ĐH Dân lập Hải Phòng.