Sáng 20.11, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Sau phần tiếp tục xét hỏi bị cáo Phan Văn Vĩnh, HĐXX đã hỏi đến bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết: “Năm 2011, tôi gặp bị cáo Nguyễn Văn Dương, đi lễ hội ở Nam Đinh, do xe tôi đậu sai lỗi, mọi người bảo anh Dương rất thân với Giám đốc công an tỉnh Nam Định, có thể xin được. Nếu không có anh Dương thì tôi đã phải mất thời gian lâu mới về được”, ông Hóa khai.
Ông Nguyễn Thanh Hóa tại tòa. Ảnh: Phan Anh
Theo bị cáo, Nguyễn Huy Lục và Hoàng Xuân Phóng trước đây cùng đơn vị công tác phòng chống tội phạm về tham nhũng.
“Khi tôi được bổ nhiệm làm Cục trưởng C50 thì 2 anh ấy tình nguyện đi theo tôi. Chúng tôi không mâu thuẫn gì với anh Dương và anh Vĩnh”, bị cáo Hóa nói. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết năm 2009 bị cáo được bổ nhiệm Cục trưởng C50.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ai là người đề xuất thành lập CNC, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết sau khi về Cục C50, nhân sự khi đó chỉ có hơn 30 người. Đến 2011, vì chức năng nhiệm vụ là đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao khi đó cũng rất khó khăn, chưa có thiết bị, công nghệ… nên chưa thể thành lập được theo điều thứ 9 là công ty bình phong.
Bị cáo Hóa khai rằng lúc đó cố thứ trưởng Phạm Quý Ngọ gọi lên và yêu cầu cho một người cháu của ông Ngọ vào làm, ông Hóa đã nhận và hiện người này vẫn làm ở đó. Tuy nhiên do người này "không thể làm thử nghiệm được" nên bị cáo Hóa đã được ông Ngọ giới thiệu Nguyễn Văn Dương.
“Tôi gặp anh Ngọ, anh Dương ở 42 Hàng Bài. Anh Ngọ giới thiệu về anh Dương, người rất yêu công nghệ và phối hợp làm công ty bình phong”, bị cáo Hóa khai.
Đối với tôi, trước đó tôi không biết là Cục có Công ty bình phong, trong khi các cục khác có. “Tôi giao Trưởng phòng tham mưu tìm hiểu tất cả các quy định, sau một thời gian anh này báo cáo tôi là Bộ không có một quy định cụ thể như nào về công ty bình phong”.
Bị cáo Hóa cho biết, sau đó Phòng tham mưu cho biết có 3 loại hình: một là bỏ tiền ra thành lập công ty, hai là liên doanh, ba là có thể dùng lợi thế, sản phẩm, trí tuệ của mình để làm.
“Tôi hỏi sản phẩm, trí tuệ là gì, Phòng tham mưu cho biết có thể đưa ra loại hình chống vi rút, bảo mật để làm công ty bình phong”, bị cáo Hóa nói.
Theo phòng tham mưu, trước hết là phải trình công ty bình phong, sau đó là báo cáo mô hình thành lập. “Nhưng Cục nghèo như này, chỉ có thể đóng góp bằng trí tuệ. Sau đó, tôi làm báo cáo lên cho anh Nguyễn Chiến Lược, Tổng cục phó. Nhưng sau đó tôi thấy là không được, vì không có đội ngũ về kỹ thuật. Chủ yếu là cảnh sát điều tra phòng chống tham nhũng và kinh tế”, bị cáo Hóa khai.
Bị cáo Hóa cũng cho biết, sau đó đã quyết định báo cáo anh Vĩnh và anh Ngọ để thực hiện.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ai ký đề xuất tờ trình thành lập CNC, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nói "tờ trình xin thành lập công ty bình phong là do tôi ký".
Trả lời tiếp câu hỏi của vị chủ tọa rằng có ký văn bản thỏa thuận với đại diện CNC là Nguyễn Văn Dương không, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai: "Sau khi được phê duyệt, tôi với phòng tham mưu bàn bạc, nếu thành lập CNC thì không thể có vốn ngay. Sau đó, bị cáo Hóa thừa nhận đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh, tuy nhiên không ký một bản cam kết hay thỏa thuận nào".
“Phòng tham mưu của tôi bảo ký biên bản ghi nhớ kiểu như đi “dạm ngõ”, không phải như cô dâu đã đồng ý lấy chồng, khi nào chúng tôi có điều kiện thì thực hiện, không có điều kiện thì chúng ta ghi nhớ lại”, bị cáo trình bày tiếp.
Bị cáo Hóa cũng thừa nhận, ký ghi nhớ đóng góp 20% và cử cán bộ tham gia. Bản ghi nhớ là sau khi có tờ trình gửi ông Nguyễn Tiến Lực, ngày 10.10.2011 và ông Hóa cũng khẳng định, việc ký ghi nhớ thực chất mới chỉ như “dạm ngõ” chứ sau đó không hề thực hiện và không có bất cứ liên quan hay chỉ đạo gì CNC.